NGỒI LÂU CÓ HẠI GÌ CHO CƠ THỂ KHÔNG?
Người làm việc văn phòng thường có thói quen ngồi lâu và lười vận động. Lối sống này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng trong cơ thể. Sau đây là một số tác hại khi ngồi quá lâu và không hoạt động nhiều.
Một số tác hại khi ngồi quá lâu và không đi lại trong 6-8 tiếng:
- Nguy cơ gây đau tim: các nghiên cứu chỉ ra rằng việc ngồi quá lâu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Khi ngồi lâu, hoạt động của hệ tim mạch bị suy giảm, làm giảm khả năng bơm máu hiệu quả và dễ dẫn đến các vấn đề như cao huyết áp, xơ vữa động mạch.
- Tiểu đường loại 2: ngồi quá lâu sẽ làm giảm khả năng cơ thể sử dụng insulin, dẫn đến nguy cơ cao phát triển tiểu đường type 2. Khi ngồi quá lâu,, sự trao đổi chất bị chậm lại, dẫn đến mưc đường huyết không ổn định.
- Béo phì: quá trình đốt cháy calo sẽ giảm khi không vận động trong thời gian dài, từ đó dẫn đến tăng cân và béo phì. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý khác như tim, tiểu đường và bệnh xương khớp.
- Tác hại đối với cơ xương khớp như đau lưng, cột sống, cổ vai gáy: ngồi lâu trong tư thế cong người hay cúi về phía trước làm tăng áp lực lên cuộc sống và đĩa đệm giữa các đốt sống dẫn đến đau lưng và thoái hóa đĩa đệm. Thêm vào đó, ngồi lâu không đổi tư thế dẫn đến tình trạng căng cơ ở vùng cổ và vai dẫn đến cảm giác đau mỏi vùng cổ vai và cảm giác tê mỏi khi làm việc trong nhiều giờ.
- Máu sẽ khó lưu thông tới các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là ở chân. Điều này dẫn đến chứng tê bì chân tay, sưng phù chân do máu không lưu thông đều đặn, các chất lỏng tích tụ ở vùng chân. Nghiêm trọng hơn là hình thành cục máu đông có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như thuyên tắc phổi hay đột quỵ khi các cục máu đông di chuyển tới các cơ quan quan trọng.
- Hiệu suất làm việc và tinh thần cũng suy giảm vì lưu lượng máu đến não giảm, dẫn đến tình trạng mệt mỏi,buồn ngủ và giảm khả năng tập trung. Đây cũng là một trong những lý do vì sao nhiều người cảm thấy chán nản và thiếu năng lượng khi làm việc trong thời gian dài mà không đứng dậy hoặc vận động.
Cách giảm tác hại của việc ngồi lâu:
- Tập thể dục và vận động thường xuyên: Hãy đứng dậy và di chuyển ít nhất mỗi 30 phút, có thể đi lại quanh vòng, làm một số động tác giãn cơ nhẹ, hoặc thực hiện những bài tập vận động đơn giản để giảm căng cơ và giúp máu lưu thông tốt hơn.
- Đi bộ: Nên đi bộ ít nhất 10-15 phút trong ngày. Việc này giúp làm giảm căng thẳng mà còn giúp cải thiện sự tuần hoàn máu và sức khỏe tim mạch.
- Ngồi đúng tư thế: lưng nên thẳng, chân đặt vuông góc với mặt đất, và không gập đầu gối quá lâu.
- Tập yoga hoặc giãn cơ: các bài tập yoga nhẹ hoặc bài tập giãn cơ có thể giúp giảm bớt căng thẳng cho cơ thể sau một thời gian ngồi làm việc căng thẳng.
Việc ngồi quá lâu là một thói quen có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát và thay đổi kịp thời. Việc kết hợp giữa thói quen làm việc đúng tư thế, vận động thường xuyên, và thực hiện các bài tập giãn cơ là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và tăng hiệu suất làm việc.

ngồi lâu có hại gì cho cơ thể không?

Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế và Davipharm phối hợp thực hiện