Cơ xương khớp

ĐAU THẮT LƯNG Ở NGƯỜI TRẺ – ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ?

Admin
14/10/2024

Đau thắt lưng đang ngày càng trẻ hóa, không chỉ xuất hiện ở những người lao động nặng nhọc mà đang dần phổ biến hơn ở nhân viên văn phòng vì ngồi sai tư thế, lười vận động,… Cơn đau có thể đến đột ngột hoặc đau âm ỉ kéo dài và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như vận động, đi lại. Nếu điều trị muộn, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Đau thắt lưng là gì?

Đau thắt lưng hay còn gọi là đau lưng vùng thấp (Low back pain) là hội chứng đau khu trú trong khoảng từ đốt sống L1 đến nếp lằn mông (có thể ở một bên hoặc cả hai bên).

Đây là một bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân, xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính và ngành nghề. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên và người già, nhưng hiện nay đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do lối sống thiếu vận động và thói quen không lành mạnh của giới trẻ. 

Dấu hiệu của đau thắt lưng là gì?

  • Phần lớn người bệnh bị đau lưng sau một chấn thương hoặc té ngã; khi ngồi hay đứng lâu; khi nâng vác vật nặng. Một số trường hợp cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. 
  • Các cơn đau xuất hiện tại lưng dưới gần mông và có thể lan tỏa toàn bộ cột sống thắt lưng, diễn ra ngày một thường xuyên hơn.
  • Cường độ đau tăng khi hoặt động gắng sức, khi đứng lâu, khi gập người, khi ngồi lâu hoặc khi ngủ trên giường mềm.
  • Thời điểm đau có thể liên quan đến thay đổi thời tiết, trước kì trước hành kinh hoặc vào buổi tối, khi đi ngủ.

Nguyên nhân nào dẫn đến đau thắt lưng?

  • Nguyên nhân cơ học: thường gặp nhất là do chấn thương cột sống, đĩa đệm hoặc các mô mềm; làm việc sai tư thế; mang vác nặng. Thoát vị đĩa đệm là một dạng đau lưng sau chấn thương phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Mang thai cũng là một nguyên nhân cơ học gây ra đau lưng.
  • Thoái hóa: bao gồm thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp cùng chậu, thoái hóa đĩa đệm,…
  • Viêm khớp: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp, gút,…
  • Nhiễm khuẩn cột sống: viêm đốt sống đĩa đệm, áp xe phần mềm cạnh sống, lao cột sống,…
  • Ung thư: đa u tủy xương, ung thư xương nguyên phát, ung thư di căn xương (thường gặp từ ung thư tuyến giáp, phổi, vú, tiền liệt tuyến…), bệnh máu ác tính khác,…
  • Nguyên nhân không tại cột sống: đau quặn mật, sỏi thận, viêm phổi, phình tách động mạch chủ,…
ĐAU THẮT LƯNG Ở NGƯỜI TRẺ – ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ?

Nguyên nhân đau thắt lưng thường gặp nhất là do chấn thương cột sống

Những yếu tố nguy cơ dẫn tới đau thắt lưng?

  • Tuổi tác: người trên 30 tuổi thường mắc bệnh nhiều hơn do các đĩa đệm bị suy yếu và mài mòn theo thời gian, gây ra đau và cứng lưng.
  • Cân nặng: người thừa cân, béo phì thường dễ bị đau lưng hơn do trọng lượng cao có thể gây áp lực lớn lên các khớp và đĩa đệm.
  • Người hút thuốc, lạm dụng rượu bia, lối sống lười vận động có nguy cơ cao bị đau lưng.
  • Nghề nghiệp: những công việc yêu cầu phải nâng vác vật nặng, vận động thể lực nhiều trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ chấn thương cột sống.
  • Bệnh lý: người có tiền sử gia đình bị viêm khớp hoặc ung thư cũng có nguy cơ bị đau lưng dưới cao hơn.
  • Sức khỏe tinh thần: đau lưng có thể do trầm cảm và căng thẳng kéo dài.

Vì sao đau thắt lưng ở người trẻ ngày càng phổ biến?

Đau thắt lưng ngày càng phổ biến trong giới trẻ do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả sự thay đổi trong lối sống và công việc:

  • Lối sống ít vận động: đa số người trẻ hiện nay dành phần lớn thời gian của mình cho việc ngồi trước máy tính hoặc sử dụng điện thoại phục vụ công việc và giải trí thay vì tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
  • Việc ngồi sai tư thế trong thời gian dài có thể gây áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Tư thế cúi đầu hoặc cúi gập người để nhìn vào màn hình thiết bị điện tử không chỉ gây ảnh hưởng tới cổ mà còn gây ra các bệnh liên quan đến cột sống thắt lưng như vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm…
  • Tăng cân và béo phì: lối sống ít vận động kết hợp với chế độ ăn uống không lành mạnh đã dẫn tới tình trạng tăng cân và béo phì ở giới trẻ. Trọng lượng cơ thể tăng cao tạo áp lực lớn hơn lên cột sống và đĩa đệm, gây ra những cơn đau ở vùng thắt lưng.
  • Căng thẳng và sức khỏe tinh thần: áp lực từ công việc, học tập và cuộc sống cá nhân có thể gây ra căng thẳng và lo âu, góp phần làm xuất hiện hoặc trở nặng thêm bệnh lý đau thắt lưng trong giới trẻ. 
  • Sử dụng balo nặng: sinh viên hoặc học sinh phải mang theo nhiều sách vở, laptop,… hàng ngày cũng là một nguyên nhân dẫn tới đau thắt lưng.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị đau thắt lưng ở người trẻ hiệu quả?

Biện pháp phòng ngừa đau thắt lưng ở người trẻ

  • Khi nâng vác vật nặng cần dang rộng 2 chân; ngồi xổm xuống, lưng luôn giữ thẳng (tránh cúi gập), dùng tay đặt đồ vật sát bụng đồng thời căng cơ bụng, sau đó từ từ đứng dậy và nâng đồ vật lên. Trong suốt quá trình nâng, lưu ý giữ lưng luôn thẳng, dùng sức chân và cánh tay để nâng vật, tránh dùng sức vùng lưng vì dễ làm tổn thương cột sống.
  • Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tránh làm việc quá sức, căng thẳng hay stress liên tục.
  • Người làm văn phòng nên chọn ghế có chiều cao phù hợp, đảm bảo hai chân thoải mái chạm sàn. Sau 1 – 2 giờ nên đứng lên vận động, thực hiện một số động tác xoay người nhẹ nhàng để thư giãn cột sống.
  • Mỗi ngày nên dành ít nhất 30 phút để tập thể dục thể thao.
  • Kiểm soát tốt cân nặng.
  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là canxi, magie, kali trong các bữa ăn hằng ngày. 
Điều chỉnh tư thế khi ngồi và mang vác nặng để phòng ngừa đau thắt lưng ở người trẻ - Nguồn: Freepik

Điều chỉnh tư thế khi ngồi và mang vác nặng để phòng ngừa đau thắt lưng ở người trẻ – Nguồn: Freepik

Phương pháp điều trị

Điều trị dùng thuốc

  • Thuốc chống viêm không steroid: diclofenac, meloxicam, celecoxib, etoricoxib,…
  • Thuốc giảm đau: paracetamol, paracetamol + codein, paracetamol + tramadol,…
  • Thuốc giãn cơ: thiocolchicosid, eperison, tolperison,…

Các biện pháp vật lý trị liệu như siêu âm trị liệu, chiếu laser, kích thích điện, các bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ lưng và cơ bụng thường được sử dụng trong điều trị đau thắt lưng. Người bệnh được khuyến khích duy trì thực hiện các bài tập này khi điều trị này tại nhà để ngăn ngừa cơn đau tái phát.

Phẫu thuật: với các trường hợp chấn thương gãy xẹp đốt sống L1 – L5 hay thoát vị đĩa đệm nặng mà những phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật vùng thắt lưng.

Trong đời sống hiện đại, đau thắt lưng không chỉ là vấn đề của riêng ai. Vì vậy việc nhận biết và hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là bước đầu tiên quan trọng trong phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng này, nhằm hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh và tích cực hơn.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm  

[SM/ARTI/102/0324]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Tài liệu tham khảo

Mục lục