3 LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI ĐIỀU TRỊ HUYẾT KHỐI (CỤC MÁU ĐÔNG)
Bệnh lý huyết khối (cục máu đông) nguy hiểm như thế nào? Điều trị huyết khối bằng thuốc gì? Cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc điều trị bệnh lý huyết khối? Bài viết dưới đây giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên, và cung cấp các thông tin quan trọng mà bạn cần nắm rõ.
Bệnh lý huyết khối là gì?
Huyết khối (hay còn gọi là cục máu đông) trong điều kiện sinh lý bình thường được tạo ra từ quá trình đông máu, giúp ngăn ngừa chảy máu quá mức khi mạch máu bị tổn thương.
Thông thường, cơ thể bạn sẽ tự nhiên làm tan cục máu đông sau khi vết thương đã lành. Tuy nhiên, đôi khi cục máu đông hình thành bên trong mạch máu mà không có tổn thương rõ ràng hoặc không tan một cách tự nhiên.
Những tình huống này có thể nguy hiểm và cần được chẩn đoán chính xác cũng như điều trị thích hợp.

Cục máu đông hình thành bên trong mạch máu mà không có tổn thương rõ ràng hoặc không tan một cách tự nhiên
Bệnh lý huyết khối (cục máu đông) nguy hiểm như thế nào?
Các cục máu đông có thể hình thành trong bất kỳ vị trí mạch máu nào thuộc hệ thống tuần hoàn của cơ thể, gây nên tình trạng bệnh với tên gọi chung là bệnh lý huyết khối.
Tại mỗi vị trí mạch máu, bệnh lý huyết khối có tên gọi cụ thể như:
– Đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim: thường do mảng xơ vữa ở tim nứt vỡ và hình thành cục máu đông tại tim, tình trạng này khiến người bệnh có các cơn đau quặn thắt ở ngực và cần đến các biện pháp y tế kịp thời.
– Đột quỵ: đây cũng là tình trạng do huyết khối gây tắc nghẽn các mạch máu ở não. Khi có biểu hiện của đột quỵ như mắt mờ, miệng méo, tay chân yếu,… bệnh nhân cần được hỗ trợ y tế kịp thời để giảm nguy cơ tử vong.
– Huyết khối tĩnh mạch sâu: khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân hoặc ở cánh tay, xương chậu, hay các tĩnh mạch lớn khác trong cơ thể. Khi đó biểu hiện có thể là sưng, đỏ, đau ở vùng chân hay vùng tay bị ảnh hưởng.
– Thuyên tắc phổi: khi cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch ở phổi, là tình huống cực kỳ nguy hiểm khiến người bệnh cảm thấy đau nhói ở ngực, đau khi hít vào, khó thở đột ngột.

Cảm giác đau quặn thắt ở ngực là có thể là biểu hiện của bệnh lý liên quan đến huyết khối ở động mạch ở tim (nguồn: freepik)
Thuốc điều trị huyết khối (cục máu đông)
Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn có nguy cơ mắc hoặc đang mắc bệnh lý liên quan đến huyết khối, bạn cần tuân thủ chặt chẽ việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Một số loại thuốc dạng uống có thể được bác sĩ chỉ định để dự phòng và điều trị bệnh lý huyết khối, bao gồm
Nhóm thuốc chống đông cổ điển
Warfarin (Tivogg-1/Tivogg-2/Tivogg-5, Coumadin, Waryal), acenocoumarol (Tegrucil-1/Tegrucil-4, Sintrom, Darius). Đây là các hoạt chất đã được sử dụng từ lâu, với kinh nghiệm sử dụng trên thực tế hơn 60 năm qua. Các thuốc trong nhóm này có giá thành khá phù hợp với khả năng chi trả của bệnh nhân người Việt Nam.
Nhóm thuốc chống đông NOACs
Bao gồm: dabigatran, epixaban, rivaroxaban, apixaban. Các hoạt chất thuốc thuộc nhóm này mới được phát triển và sử dụng trong khoảng 10 năm gần đây. Các hoạt chất cho hiệu quả tác dụng nhanh trong khoảng 2 đến 4 giờ.
Việc lựa chọn thuốc và liều lượng sử dụng cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
3 lưu ý khi điều trị huyết khối (cục máu đông)
- Tuân thủ chặt chẽ sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc sai liều lượng, quên liều hay quá liều cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
- Thông báo cho bác sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng hoặc sử dụng gần đây, bao gồm cả các thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, các vitamin hoặc thuốc từ dược liệu. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế sự tương tác giữa các thuốc, đảm bảo thuốc đạt hiệu quả điều trị đúng như mong muốn và an toàn cho người bệnh.
- Khi sử dụng thuốc chống đông, quá trình đông máu bị ức chế khiến cho các vết thương chảy máu lâu lành hơn bình thường. Vì vậy cần cố gắng tránh các hoạt động có thể gây trầy xước, bầm tím hoặc vết cắt như chơi các môn thể thao va chạm, làm vườn, may vá. Cẩn thận hơn khi đánh răng hoặc cạo râu để tránh vết cắt và chảy máu nướu răng; cân nhắc sử dụng bàn chải đánh răng mềm và dao cạo điện.
Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn hiểu về bệnh lý huyết khối và lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc chống huyết khối. Những thông tin được cung cấp trong bài viết này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, dược sĩ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về bệnh lý của bạn và các thông tin trước khi dùng thuốc.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Tài liệu tham khảo
https://www.hematology.org/education/patients/blood-clots
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22242-thrombosishttps://patient.info/heart-health/anticoagulants