4 LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC HẠ HUYẾT ÁP KHÔNG THỂ BỎ QUA
Tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” khi không biểu hiện bất kì triệu chứng nào. Sử dụng thuốc hạ huyết áp thường xuyên là điều cần thiết để phòng ngừa các biến chứng xảy ra. Bài viết này sẽ giải đáp những lưu ý bệnh nhân cần nắm khi sử dụng thuốc hạ huyết áp.
Thống kê về tăng huyết áp
Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến và rất nguy hiểm. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính toàn cầu có khoảng 1,13 tỷ người bị tăng huyết áp. Trong đó, cứ 5 phụ nữ thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 4 nam giới thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Tại Việt Nam, có đến 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Nhưng gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và hơn 80% chưa được điều trị.

Tăng huyết áp rất phổ biến tại Việt Nam nhưng có 60% người bệnh chưa được phát hiện
Tăng huyết áp được chẩn đoán khi nào
Tăng huyết áp được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
Người bị tăng huyết áp có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Điều quan trọng là phải kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Trong một số trường hợp hiếm gặp và nghiêm trọng, tăng huyết áp gây đổ mồ hôi, lo lắng, khó ngủ và đỏ mặt.
Nếu huyết áp cao kịch phát, có thể gây đau đầu và chảy máu cam.

Tăng huyết áp được mệnh danh là sát thủ thầm lặng với triệu chứng âm thầm
Những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị với thuốc hạ huyết áp
Tăng huyết áp lâu dài gây ra biến chứng nặng nề, có thể dẫn tới tử vong. Thông thường, tăng huyết áp làm tăng gánh nặng cho tim và động mạch. Tim phải làm việc nặng hơn trong thời gian dài nên có xu hướng to ra và giãn, dẫn đến suy tim.
Tăng huyết áp thúc đẩy và gây xơ vữa động mạch, nơi các mảng bám phát triển trên thành mạch máu, khiến mạch máu hẹp lại, tim phải bơm mạnh hơn để lưu thông máu. Xơ vữa động mạch liên quan đến tăng huyết áp có thể dẫn đến:
- Nhồi máu cơ tim.
- Tai biến mạch máu não, đột quỵ.
- Phình, vỡ động mạch.
- Suy thận.
- Đoạn chi.
- Bệnh võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa.
Theo dõi huyết áp thường xuyên và tuân thủ điều trị sẽ giúp bệnh nhân tăng huyết áp tránh gặp những biến cố nguy hiểm này.

Duy trì sử dụng thuốc hạ huyết áp để ngăn ngừa biến chứng
Công dụng của amlodipine trong điều trị tăng huyết áp
Thuốc amlodipine thường được sử dụng chung hoặc riêng biệt với các loại thuốc khác để điều trị tăng huyết áp. Amlodipine làm làm giãn các mạch máu để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn, qua đó làm giảm huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Amlodipine chủ yếu làm giãn tiểu động mạch ngoại biên. Với động mạch càng nhỏ, càng bé và thành mạch càng mỏng thì khi giãn mạch khả năng thoát dịch từ lòng mạch ra bào tương càng nhiều.
Phù cổ chân dễ xảy ra vì cổ chân vừa xa tim nhất, vừa là cơ quan nằm ở vị trí thấp nhất cơ thể, nên khả năng dòng máu từ chân trở về tim là khó khăn nhất.
Khi tiểu tĩnh mạch chưa kịp dẫn lưu máu về tim nhưng lượng máu tuần hoàn cung cấp cho các tiểu động mạch đã tới gây ra tình trạng ứ đọng, khiến dịch dễ thẩm thấu ra bào tương nên gây phù (khoảng 3% trong số người bệnh điều trị với liều 5mg/ngày và khoảng 11% khi dùng 10mg/ngày bị phù cổ chân).

Amlodipine là thuốc hạ huyết áp làm giãn tiểu động mạch ngoại biên
Một số tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp amlodipin
- Sưng phù chân: Để khắc phục, hãy nằm gác chân lên cao.
- Đau đầu, chóng mặt, bốc hỏa: Tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau tuần đầu tiên sử dụng thuốc. Trong thời gian đó người bệnh cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, không nên gắng sức, hạn chế dùng chất kích thích như rượu, cà phê…
- Ngất, loạn nhịp tim: Tác dụng phụ này thường chỉ gặp khi người bệnh uống quá liều.
Nếu các tác dụng phụ không thuyên giảm hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, hãy nên chủ động liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn khắc phục hoặc đổi thuốc phù hợp.
4 điều cần lưu ý của khi dùng thuốc hạ huyết áp amlodipine
Để đảm bảo việc sử dụng thuốc amlodipine và các thuốc hạ huyết áp khác mang lại hiệu quả cao nhất và hạn chế tối đa tác dụng phụ, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp khi được kê đơn bởi bác sĩ: Để lựa chọn được loại thuốc huyết áp nào ít tác dụng phụ và hiệu quả nhất cho bệnh nhân, bác sĩ phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau như tuổi, giới tính, chủng tộc, mức độ tăng huyết áp, các bệnh mắc kèm. Do vậy một thuốc có thể phù hợp và có lợi với bệnh nhân này nhưng không chắc cũng sẽ tốt cho bệnh nhân khác.
- Sử dụng đúng liều lượng đã được kê: Trong trường hợp quên thuốc, uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời gian uống liều tiếp theo, bỏ qua liều bị quên và uống liều kế tiếp như bình thường, không uống gấp đôi để bù lại liều thuốc đã quên.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ: Tái khám định kỳ giúp điều chỉnh thuốc phù hợp với diễn biến bệnh cũng như phát hiện sớm các biến chứng của tăng huyết áp và tác dụng phụ của thuốc.
- Thông báo cho nhân viên y tế khi gặp các tác dụng không mong muốn trong quá trình dùng thuốc: Để được nhận lời khuyên hữu ích và hướng xử trí kịp thời.
Việc uống thuốc tăng huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ, theo dõi và tái khám định kỳ sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát được huyết áp, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm và giảm các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Tăng huyết áp là căn bệnh mạn tính và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu huyết áp không được kiểm soát
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Tài liệu tham khảo
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Báo Sức khỏe & đời sống