Tim mạch - Chuyển hóa

5 BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Admin
29/10/2024

Bài viết này cung cấp kiến thức về biến chứng của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa để kiểm soát tốt bệnh, giảm gánh nặng cho cộng đồng, thuộc chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt. Chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm thường gặp do Cục Y Tế Dự Phòng, Bộ Y Tế và Davipharm triển khai.

Chăm sóc sức khỏe Việt - chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm thường gặp cho cộng đồng

Chăm sóc sức khỏe Việt – chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm thường gặp cho cộng đồng

5 biến chứng của bệnh tiểu đường 

Bệnh tim mạch

Tim mạch và đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là những biến chứng nguy hiểm nhất, đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người bị đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường có thể gây ra xơ vữa động mạch gây hẹp tắc mạch máu dẫn đến các biến chứng tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tử vong .

Các bệnh về huyết áp

Tăng huyết áp rất thường gặp ở người bị đái tháo đường, và người bệnh có thể gặp các biến chứng liên quan đến bệnh tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,… Biện pháp điều trị quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường kèm tăng huyết áp là cần phải vừa đảm bảo bình ổn cả chỉ số đường huyết lẫn chỉ số huyết áp, như vậy mới giảm được các biến chứng tim mạch và tỉ lệ tử vong.

Vết thương dễ bị nhiễm trùng

Các vết thương trên cơ thể người bệnh đái tháo đường thường lâu lành hơn người bình thường. Đó là do khi lượng đường cao trong máu làm cơ thể người bệnh giảm sức đề kháng, từ đó vết thương dễ nhiễm trùng và khó lành hơn.

Hơn nữa, đái tháo đường kiểm soát kém có thể dẫn đến biến chứng thần kinh gây ra mất cảm giác, bệnh nhân dễ bị vết thương hơn, từ đó nhiễm trùng xâm nhập và lan rộng. Hậu quả có thể bị cắt cụt chân nếu hoại tử nhiễm trùng nặng do điều trị không đúng cách.

biến chứng của bệnh tiểu đường

Đái tháo đường gây nhiều biến chứng trên nhiều hệ cơ quan

Bệnh về mắt

Bệnh đái tháo đường còn gây ra các biến chứng về mắt như tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt và có thể chảy máu gây ra mù loà. Ngoài ra, một số biến chứng mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp cũng là nguyên nhân làm giảm thị lực của người bệnh. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần chăm sóc mắt cẩn thận và đi khám mắt định kỳ hàng năm.

Suy thận

Biến chứng thận cũng thường gặp ở người bị bệnh đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu cao kéo dài. Hậu quả của suy thận có thể tiến triển xấu tới mức thận không hoạt động và cơ thể ứ đọng nhiều chất gây hại cho cơ thể.

Ở giai đoạn bệnh thận nặng, bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng để duy trì sự sống, điều này rất tốn kém và giảm chất lượng sống. Để phòng ngừa bệnh thận, người bệnh đái tháo đường cần trao đổi với bác sĩ để có thể chẩn đoán và điều trị sớm.

Tầm soát sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và giảm nhẹ biến chứng bệnh tiểu đường - Là thông điệp của hoạt động tầm soát miễn phí 151

Tầm soát sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và giảm nhẹ biến chứng bệnh tiểu đường – Là thông điệp của hoạt động tầm soát miễn phí 151

3 cách giúp giảm nhẹ biến chứng của bệnh tiểu đường

Tập thể dục đều đặn 

Tập thể dục hằng ngày không chỉ giúp giảm cân mà còn có tác dụng giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn để chuyển hóa đường glucose thành năng lượng cho các tế bào, giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Thói quen đi bộ, bơi lội là những bài tập vận động đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cho những người bệnh đái tháo đường.

  • Đi bộ: Đi bộ từ 30-45 phút mỗi ngày là một hoạt động dễ dàng nhưng mang lại nhiều lợi ích cho tim mạch và cơ bắp.
  • Bơi lội: Giúp giảm áp lực lên các khớp và là bài tập toàn thân, lý tưởng cho người tiểu đường mắc bệnh xương khớp.
  • Chạy bộ: Tốt cho hệ tim mạch, đặc biệt khi kết hợp chạy bộ nhẹ nhàng với các bài tập kiểm soát nhịp thở.
  • Tập gym: Giúp tăng cơ bắp, tăng cường trao đổi chất và làm giảm lượng đường trong máu.

Lưu ý: Cần bắt đầu tập luyện từ từ và nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn hình thức tập phù hợp nhất.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Chế độ ăn uống khoa học giúp duy trì đường huyết ổn định, tránh những biến chứng như suy thận, bệnh tim mạch và béo phì. Chế độ ăn uống đúng cách có thể giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát đường huyết.

  • Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ba bữa lớn, nên ăn 5-6 bữa nhỏ trong ngày để tránh đường huyết tăng cao đột ngột.
  • Tăng cường chất xơ: Chọn thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm sự gia tăng đường huyết sau bữa ăn.
  • Giảm tinh bột và đường: Giảm tiêu thụ các loại tinh bột và đường đơn như cơm, bánh mì trắng, đường tinh luyện; thay vào đó là các nguồn tinh bột phức tạp như khoai lang, yến mạch.
  • Tăng cường protein: Các loại thịt nạc, cá hồi, đậu phụ, và trứng là nguồn protein tốt, giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp mà không làm tăng đường huyết.

Lưu ý: Luôn theo dõi lượng calo tiêu thụ và ưu tiên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm biến chứng của bệnh tiểu đường

Việc dùng thuốc đúng liều và đúng cách là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

  • Dùng thuốc theo lịch: Đảm bảo uống đúng giờ, tránh quên hoặc thay đổi liều lượng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Theo dõi đường huyết: Tự kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên giúp điều chỉnh liều lượng thuốc hợp lý.
  • Tái khám định kỳ: Duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng bệnh, đưa ra những điều chỉnh kịp thời nếu có dấu hiệu biến chứng.

Lưu ý: Không nên tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc đông y không rõ nguồn gốc vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe Việt - chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm thường gặp cho cộng đồng

Chăm sóc sức khỏe Việt – chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm thường gặp cho cộng đồng

Trên đây là 5 biến chứng của bệnh tiểu đường và 3 thói quen hàng ngày giúp giảm nhẹ các biến chứng này. Việc tầm soát định kì thông qua các chương trình như Chăm sóc sức khỏe Việt – chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm thường gặp cho cộng đồng – là một cách hiệu quả giúp giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân và cho cộng đồng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt

Các bài viết nằm trong chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng do các bệnh lý không lây nhiễm gây ra, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người Việt Nam.

Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe về bệnh lý đái tháo đường nằm trong chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, cung cấp kiến thức giúp người dân phòng chống các bệnh không lây nhiễm (BKLN) thường gặp như: huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần,…

Mục lục