5 DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH SUY TIM BẠN KHÔNG NÊN BỎ QUA
Suy tim là tình trạng tim suy giảm khả năng co bóp và tống máu hiệu quả. Triệu chứng của bệnh suy tim thường không đặc hiệu và khó nhận biết. Lưu ý 5 dấu hiệu cảnh báo dưới đây nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời.
Dấu hiệu khó thở cảnh báo bệnh suy tim
Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh suy tim. Khó thở có thể xảy ra trong khi hoạt động gắng sức, khi đi bộ, leo cầu thang hoặc thậm chí khó thở khi nghỉ ngơi khi suy tim tiến triển nặng.
Điều này xảy ra do dịch cơ thể tích tụ trong phổi, hay gọi là sung huyết phổi, khiến bạn khó thở sâu. Bạn có thể nhận thấy triệu chứng này nặng hơn vào ban đêm hoặc khi nằm.
Mệt mỏi và kiệt sức – dấu hiệu bệnh suy tim thường bị bỏ qua
Cảm giác mệt mỏi hoặc kiệt sức bất thường, ngay cả sau khi nghỉ ngơi, có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tim. Khi tim không bơm đủ máu, các cơ và mô của bạn không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Sự suy giảm tuần hoàn này có thể dẫn đến mệt mỏi và cảm giác kiệt sức kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bạn.
Sưng và phù nề
Sưng ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng có thể là dấu hiệu của suy tim. Điều này là do tình trạng tích nước khi tim không bơm máu hiệu quả. Để điều hòa, thận có thể đáp ứng bằng cách giữ lại nhiều muối và nước hơn, dẫn đến sưng phù rõ rệt, đặc biệt là ở các chi dưới.

Sưng, phù nề ở chân là một trong những dấu hiệu của bệnh suy tim (Nguồn Freepik)
Ho dai dẳng và thở khò khè
Ho dai dẳng hoặc thở khò khè kéo dài có thể do dịch tích tụ trong phổi. Triệu chứng này thường gây nhầm lẫn với bệnh về hô hấp và thường bị bỏ qua. Cơn ho có thể là ho khan hoặc ho kèm theo đờm. Ho có thể nặng hơn vào ban đêm hoặc khi nằm xuống, làm gián đoạn giấc ngủ.
Nhịp tim nhanh hoặc tim đập không đều
Khi tim suy giảm năng suất tống máu trong mỗi lần co bóp, tim phải đập nhanh hơn để bù đắp cho khả năng bơm máu. Nhịp tim nhanh, không đều có thể dấu hiệu cảnh báo suy tim. Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp phải đánh trống ngực, đau ngực, kèm theo chóng mặt thậm chí ngất xỉu.

Tim cần đập nhanh hơn để bù đắp cho khả năng bơm máu (Nguồn Freepik)
Bài viết được cung cấp bởi DAVIPHARM
[SM/ARTI/124/0724]
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Tài liệu tham khảo
1. 5 dấu hiệu cảnh báo suy tim (suckhoedoisong.vn)
2. Khuyến cáo của Hội Tim mạch quốc gia về chẩn đoán và điều trị suy tim cấp và suy tim mạn (2022) – P1 | Tim mạch học | Hội Tim mạch học thành phố Hồ Chí Minh (timmachhoc.vn)