GIẢM TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN (GERD) CHO DÂN VĂN PHÒNG THẬT SỰ KHÔNG KHÓ!
Làm thế nào để giảm trào ngược dạ dày thực quản dùng thuốc và không dùng thuốc? Đặc biệt đối với những người làm việc văn phòng với lối sống ít vận động, ngồi nhiều giờ liền và ăn uống thiếu khoa học? Cùng tìm hiểu ngay!
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay còn gọi là trào ngược axit, là một bệnh lý về tiêu hóa trong đó dịch tiêu hóa ở dạ dày trào ngược lên thực quản, gây nên tình trạng kích ứng, dẫn đến viêm và tổn thương thành thực quản.
Axit trong dịch tiêu hóa là nguyên nhân chính gây tổn thương thực quản. Tình trạng này nếu không được chữa trị, theo thời gian có thể dẫn đến loét thực quản, hẹp thực quản, thậm chí ung thư.
Đâu là dấu hiệu nhận biết người bị GERD?
Người bị GERD có thể được nhận biết qua nhiều triệu chứng trên hệ tiêu hóa và ngoài hệ tiêu hóa.
Trên hệ tiêu hóa
- Ợ nóng, ợ chua, cảm giác nóng rát vùng ngực là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân bị GERD.
- Nôn và buồn nôn
- Rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, đầy bụng
- Khó nuốt hay cảm giác thức ăn mắc ở cổ
- Cảm giác đắng ở miệng, hôi miệng
- Nội soi có thể thấy vết viêm loét thực quản do bị ăn mòn
Ngoài hệ tiêu hóa
- Cảm giác đau rát vùng ngực, đau thượng vị, có thể đau nặng hơn sau khi ăn hoặc vào ban đêm
- Cảm giác khó thở, ho khan hoặc ho có tiết dịch
- Khó ngủ vào ban đêm do cảm giác trào ngược hay do kích thích thần kinh phế vị

Trào ngược dạ dày thực quản không chỉ ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa
Do đâu dân văn phòng dễ bị GERD
Bỏ bữa ăn
Nhiều người làm văn phòng có thói quen bỏ bữa sáng, hoặc ăn trưa muộn, thời điểm ăn không theo nhịp sinh học của cơ thể, dịch axit của dạ dày tiết ra nhiều mà không có thức ăn trung hòa dễ dẫn đến tổn thương dạ dày.
Ăn quá nhanh
Thời gian nghỉ trưa ngắn, người làm văn phòng thường tranh thủ ăn nhanh để nghỉ trưa hoặc ăn thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ.Tthức ăn không được nhai kỹ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, dịch tiết ra nhiều hơn có thể gây đau dạ dày.
Vừa ăn vừa làm việc
Không khó để tìm thấy một người làm văn phòng vừa tranh thủ ăn vừa nhìn màn hình máy tính, lướt báo,…Đây là thói quen không tốt khiến dạ dày tiêu hóa thức ăn kém hiệu quả, dẫn đến bệnh về dạ dày.

Người vừa ăn vừa làm việc dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa
Nằm ngay sau khi ăn
Nhiều người thường tranh thủ nằm nghỉ ngay sau khi ăn, khiến thức ăn bị tiêu hóa kém, dịch dạ dày tiết ra nhiều và trào ngược khi nằm.
Lạm dụng chất kích thích
Trà và cà phê là các chất kích thích có thể giúp dân văn phòng tinh thần tỉnh táo và tập trung làm việc, nhưng việc làm dụng các chất kích thích này, đặc biệt là khi uống quá 3-4 ly/ngày có thể khiến tăng tiết axit, tăng nguy cơ viêm loét và trào ngược. Thêm vào đó, thói quen uống nhiều rượu bia để giải tỏa căng thẳng với đồng nghiệp cũng góp phần tăng nguy cơ các bệnh về tiêu hóa
Ngồi lâu và ít vận động
Dân văn phòng thường phải ngồi 8-10 tiếng một ngày, thiếu thời gian vận động và thể thao. Đây là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ béo phì, giảm khả năng tiêu hóa, vận động ruột, tăng áp lực lên dạ dày.
Căng thẳng và stress kéo dài
Khi đối mặt với căng thẳng trong công việc, thần kinh sẽ bị kích thích và có thể dẫn đến stress, các hormon tiết ra cũng kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn dẫn đến viêm loét và trào ngược.
Cách phòng tránh và giảm trào ngược dạ dày thực quản ở dân văn phòng
Các biện pháp không dùng thuốc
- Thay đổi lối sống, chăm vận động và tập thể thao
- Ăn uống khoa học, tránh bỏ bữa, không ăn khuya hay nằm ngay sau khi ăn
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích và rượu bia
- Quản lý stress, tập yoga, giảm căng thẳng

Tập thể dục và ăn uống hợp lý để giảm trào ngược dạ dày thực quản
Các biện pháp sử dụng thuốc
Thuốc kháng histamin H2
Thuốc kháng histamin H2 bao gồm nizatidin, famotidin, cimetidin. Nhóm thuốc này giúp ngăn cản tiết axit bằng cách chẹn thụ thể histamin H2, dùng điều trị triệu chứng GERD mức độ nhẹ.
Thuốc kháng axit
Aluminium phosphate, nhôm hydroxyd, magiê hydroxyd, natri bicarbonat, guaiazulen là các thuốc trung hòa axit, làm giảm tiếp xúc niêm mạc thực quản với axit khi bị trào ngược.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Omeprazol, esomeprazol, rabeprazol, lansoprazol là các thuốc ức chế bơm proton ở dạ dày, ngăn cản tiết axit dịch vị, giúp làm lành các vết loét và giảm trào ngược.
Thuốc điều hòa tiêu hóa (prokinetic)
Domperdion, metoclopramide là các thuốc tăng cường co bóp dạ dày, có thể phối hợp với PPI ở bệnh nhân không hiệu quả với PPI đơn trị, giúp cải thiện triệu chứng GERD.
Thuốc chống đầy hơi
Dimethicon, simethicon là các thuốc chống đầy hơi có thể sử dụng để làm giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu ở bệnh nhân bị GERD.
Bài viết được thực hiện bởi Davipharm
[SM/ARTI/107/0424]
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.