BỆNH CHÀM DA (ECZEMA) Ở TRẺ EM: CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh chàm da (Eczema) là vết phát ban đỏ, nóng, khô và ngứa mà có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều chỗ trên bề mặt và thân thể. Bệnh thường xuất hiện ở 50% trẻ em dưới 2 tuổi và 20% trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường gây các vết xước trên da do ngứa. Các chỗ này có thể trở nên bị nhiễm trùng và điều này khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Nguyên nhân gây bệnh chàm da (Eczema) ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh chàm da (eczema) ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ và chắc chắn, tuy nhiên bệnh thường gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng. Ngoài ra, nếu cha mẹ mắc các bệnh hen suyễn, dị ứng thời tiết, mề đay, dị ứng da… thì trẻ sinh ra cũng dễ mắc bệnh.
Nguyên nhân gây chàm da ở trẻ em liên quan đến sự phối hợp của hai yếu tố, đó là cơ địa dị ứng và các chất gây dị ứng.
Các chất gây dị ứng có thể là từ những thay đổi trong quá trình chuyển hóa trong và ngoài cơ thể như: lông thú cưng, khói bụi, nấm mốc, bụi, rối loạn tiêu hóa, thực phẩm (sữa, trứng…), cách cho trẻ bú, trẻ bị nhiễm khuẩn…
Bên cạnh đó, các yếu tố kích thích và làm bệnh chàm da ở trẻ em nặng thêm gồm có: thời tiết hanh khô, nóng ẩm; xà phòng tắm, giặt; thuốc tẩy, vải áo quần, khói thuốc lá…
Triệu chứng thường gặp
Phần lớn các trẻ bị mắc bệnh chàm da (Eczema) đều có các triệu chứng đặc trưng như da bị đỏ, khô ráp gây ngứa ngáy, khó chịu.
Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể trẻ. Tuy nhiên, bệnh thường tập trung ở khớp tay, chân và má. Do đó ba mẹ cần lưu ý các biểu hiện dưới đây để nhận biết chính xác bệnh và áp dụng các biện chăm sóc và điều trị phù hợp:
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi: Thường có hiện tượng phát ban, nổi mề đay mẩn ngứa tập trung ở trán, da đầu và má. Các triệu chứng ít khi ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục.
- Trẻ em từ 2 tuổi đến 5 tuổi: Các mẩn ngứa thường khu trú ở phía sau đầu gối, khủy tay, trên cổ, phía trong mắt cá và cổ tay. Hoặc cũng có thể xuất hiện ở mí mắt và vùng quanh miệng.
- Bên cạnh đó, da của trẻ cũng có thể xuất hiện các vảy khô ráp có màu sậm hơn những vùng da bình thường. Trường hợp tổn thương nghiêm trọng, khu vực da bị chàm có thể hình thành sẹo hoặc lichen hóa.
- Trẻ em từ 5 tuổi và thanh thiếu niên: Các triệu chứng của bệnh thường tập trung ở đầu gối, khuỷu tay. Một vài trường hợp có thể khu trú ở bàn chân, phía sau tay và da đầu của trẻ. Đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh cơ hội như viêm da bã tiết, viêm da dị ứng tồn tại cùng với bệnh chàm da (Eczema) ở trẻ.

Bệnh chàm da (Eczema) thường gặp ở 50% trẻ em dưới 2 tuổi
Cách chăm sóc và điều trị bệnh chàm da (Eczema) ở trẻ em
Chăm sóc
NHIỆT, KHÔ và CẢM GIÁC KIM CHÂM khiến bệnh chàm da trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần biết về ba yếu tố này và loại bỏ chúng khỏi môi trường của con mình.
- NHIỆT: Có nhiều thứ khiến trẻ bị nóng. Quần áo có thể khiến chàm da trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất là cho trẻ mặc một hoặc hai lớp quần áo mỏng (bằng sợi cotton). Trẻ em thường bị ngứa nhiều hơn về đêm do chúng bị nóng dưới mền, phòng ngủ quá nóng hoặc do mặc quá ấm để đi ngủ.
- TÌNH TRẠNG DA KHÔ: Da của trẻ bị chàm thường khô. Da càng khô sẽ càng trở nên ngứa và dễ bị sung, có nhiều thứ có thể gây ra tình trạng khô da như các chất làm sạch, xà bông, bơi lội và gió khô. Tránh dùng miếng lau dành cho em bé, bởi chúng làm khô và kích thích da. Thay vào đó, hãy sử dụng khăn dùng một lần và nước.
- CẢM GIÁC KIM CHÂM: Quần áo có thể gây cảm giác kim châm (vải len, các đường khâu, miếng dán, diềm ren). Quần áo và khăn trải giường có chất liệu vải là sợi cotton hay lụa nên được lựa chọn.

Bố mẹ cần lưu ý về nhiệt độ, và cho trẻ mặc quần áo thoải mái khi chăm sóc
Thuốc điều trị bệnh chàm da (Eczema) ở trẻ em
Trường hợp không đáp ứng được các biện pháp chăm sóc tại nhà, tình trạng bệnh Eczema ở trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm. Lúc này các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và độ tuổi của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp.
Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ chuyên môn chỉ định trong điều trị bệnh Eczema ở trẻ em:
Các thuốc uống
– Thuốc chống ngứa: Để chống ngứa, nên dùng một trong các thuốc chống dị ứng như Desloratadine, Cetirizine, Chlorpheniramine.
– Thuốc chống bội nhiễm: Tùy theo tình trạng bội nhiễm, bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh thích hợp. Trong trường hợp Eczema có viêm da mủ, cần điều trị chống bội nhiễm bằng cách cho uống kháng sinh (Amoxicilin, …).
Các thuốc bôi ngoài da
Các thuốc mỡ chứa Corticosteroid có thể sử dụng để bôi trên tổn thương Eczema khô, không nên dùng để bôi trong các trường hợp Eczema nhiễm khuẩn.
Các thuốc mỡ chứa chất ức chế calcineurin tại chỗ (Tacrolimus 0,03%) đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị Eczema khi bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ hoặc không dung nạp với điều trị thông thường như Corticosteroid.

Thuốc mỡ chứa calcineurin trong điều trị bệnh chàm da
Cách dùng thuốc bôi ngoài da:
- Bôi một lớp mỏng lên vùng da cần bôi thuốc;
- Tránh để thuốc mỡ tiếp xúc với mắt và niêm mạc. Nếu thuốc dính vào mắt và niêm mạc, cần lau và rửa sạch với nước;
- Không nên băng kín chỗ bôi thuốc;
- Nếu tay không phải là nơi cần bôi thuốc, rửa tay sạch sau khi bôi thuốc;
- Nếu bôi thuốc sau khi tắm, vị trí bôi phải khô ráo.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.