BỆNH LOÃNG XƯƠNG & NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Theo một số liệu thống kê mới nhất từ tổ chức IOF (Tổ chức phòng chống loãng xương quốc tế) thì bệnh loãng xương chỉ đứng sau bệnh tim mạch về tỷ lệ gây nên những căn bệnh ở con người. Bằng chứng là có tới 33% nữ giới mắc bệnh loãng xương trên toàn thế giới, trong khi con số này ở đàn ông là 20%.
Tình trạng loãng xương ở nước ta đang có xu hướng tăng nhanh, mặc dù đời sống ngày càng được nâng cao, con người được cung cấp đầy đủ dưỡng chất hơn. Theo số liệu nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng quốc gia, 37% nữ giới mắc bệnh loãng xương, con số này ở đàn ông là 18%. (*)
Bệnh loãng xương
Loãng xương (Osteoporosis) là tình trạng rối loạn chuyển hoá của xương dẫn đến tổn thương độ chắc của xương đưa đến tăng nguy cơ gẫy xương. Độ chắc của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.
- Khối lượng xương được biểu hiện bằng: Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density – BMD) & Khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC).
- Chất lượng xương phụ thuộc vào: Thể tích xương, Vi cấu trúc của xương (Thành phần chất nền và chất khoáng của xương) & Chu chuyển xương (Tình trạng tổn thương vi cấu trúc xương, tình hình sửa chữa cấu trúc của xương.

Loãng xương gây tăng nguy cơ gãy xương
Phân loại
Loãng xương người già (Loãng xương tiên phát)
- Đặc điểm:
- Tăng quá trình huỷ xương.
- Giảm quá trình tạo xương.
- Nguyên nhân:
- Các tế bào tạo xương (Osteoblast) bị lão hoá.
- Sự hấp thu calci ở ruột bị hạn chế.
- Sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục (nữ và nam).
Loãng xương nguyên phát thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gẫy xương hay lún xẹp các đốt sống.
Loãng xương sau mãn kinh
Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do tuổi ở phụ nữ do giảm đột ngột estrogen khi mãn kinh.
- Đặc điểm:
- Tăng quá trình huỷ xương.
- Quá trình tạo xương bình thường.
Loãng xương thứ phát
Là loãng xương tìm thấy được nguyên nhân liên quan đến một số bệnh mạn tính, liên quan đến sử dụng một số loại thuốc….
Các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát:
- Bệnh nội tiết: Cường giáp, đái tháo đường, bệnh to đầu chi…
- Bệnh tiêu hóa: Cắt dạ dày, thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mạn tính.
- Bệnh khớp: Viêm khớp dạng thấp, bệnh lý cột sống…
- Bệnh ung thư: Kahler…
- Bệnh di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt…
- Những trường hợp sử dụng corticoid, heparin, dùng lợi tiểu kéo dài…
Chẩn đoán
- Triệu chứng lâm sàng: Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng: Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính, biến dạng cột sống, đau ngực, khó thở… gẫy xương
- Triệu chứng cận lâm sàng: Xquang, Đo khối lượng xương (BMD) bằng phương pháp đo hấp phụ tia X, Đo khối lượng xương ở ngoại vi (gót chân, ngón tay…) bằng các phương pháp (DXA, siêu âm…) được dùng để tầm soát loãng xương trong cộng đồng.
- Chẩn đoán xác định: Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1994, đo mật độ xương tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo phương pháp DXA. Dựa trên mật độ chất khoáng của xương (Bone Mineral Density – BMD) theo chỉ số T-Score.
T-Score của một cơ thể là chỉ số mật độ xương của cơ thể đó so với mật độ xương của nhóm người trẻ tuổi làm chứng.

T-score là chỉ số đánh giá mật độ xương
Ai cần đo mật độ xương
Theo khuyến cáo của Hiệp hội chống loãng xương thế giới, những người trên 50 tuổi, có một trong những yếu tố sau nên đo mật độ xương:
- Giảm chiều cao ≥ 3cm (so với độ tuổi 20-30)
- Cân nặng dưới 40 kg, hay giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây
- Thiếu estrogen ở nữ như sau khi mãn kinh, cắt buồng trứng. Hoặc thiếu androgen ở nam trên 50 tuổi.
- Tiền sử gãy xương: Có cha mẹ hoặc bản thân đã bị gãy cổ xương đùi sau một chấn thương nhẹ ở tầm thấp
- Tiền sử hoặc hiện tại có dùng corticoid liều bất kỳ liên tục trong thời gian trên 3 tháng
- Sử dụng chất kích thích: Uống rượu: ≥ 8g cồn tinh hoặc 375ml bia 60 hoặc 30ml rượu mạnh/ ngày; Hay hút thuốc lá ≥ 20 điếu/ ngày.
Điều trị
Các biện pháp không dùng thuốc
Cần thay đổi lối sống, một số thói quen sinh hoạt là góp phần quan trọng vào việc tăng sức khỏe cho bộ xương của mỗi người.
- Tập luyện thể lực, thể thao thường xuyên:
- Tập chịu đựng sức nặng của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ…
- Tập sức mạnh cho cơ: tập kháng lực, nhấc vật nặng phù hợp với khả năng của từng người nếu không có chống chỉ định.
- Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi trong suốt cuộc đời.
Nếu cần, có thể sử dụng cả thuốc để bổ xung canxi và vitamin D. Tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia, không hút thuốc lá…

Cần kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc để phòng ngừa loãng xương
Thuốc điều trị loãng xương
Canxi và vitamin D
- Canxi: ngoài dinh dưỡng, xem xét bổ sung thêm canxi đường uống, đảm bảo cung cấp đủ 1000-1200 mg canxi nguyên tố mỗi ngày.
- Vitamin D: đảm bảo cung cấp 800-1000 IU mỗi ngày
Các thuốc chống hủy xương
- Nhóm bisphosphonates (BPN): được lựa chọn hàng thứ nhất trong điều trị các loại loãng xương (người già, phụ nữ sau mãn kinh, nam giới, do corticosteroid).
- Alendronate 70 mg (Risenate, Aledronat, Fosamax, …) hoặc alendronate 70 mg + cholecalciferol (vitamin D3) (Agostini, Alenbone, …): uống sáng sớm, lúc đói, một tuần uống một lần 1 viên.
- Zoledronlc (Aclasta) acid 5 mg truyền tĩnh mạch một năm một liều duy nhất.
- Ibandronate: chỉ định cho loãng xương sau mãn kinh, viên 150 mg uống một lần, mỗi tháng, hoặc tiêm tĩnh mạch: liều 3 mg, mỗi 3 tháng
- Risedronate (Cruzz-35, Ridonel, …): uống 35 mg mỗi tuần.
- Calcitonin: thường dùng liều 100 UI tiêm dưới da hàng ngày.
- Denosumab (kháng thể đơn dòng kháng RANKL): liều 60mg, tiêm dưới da một lần mỗi 6 tháng.
- Raloxifen (SERMs, chất điều hoà chọn lọc thụ thể estrogen): chỉ định đối với phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh. Liều 60 mg uống hàng ngày, trong thời gian ≤ 2 năm.
Thuốc có tác dụng tăng tạo xương hoặc tác dụng kép
- Strontium ranelate: 2 g uống ngày một lần buổi tối (sau ăn 2 giờ, trước khi đi ngủ tối).
- Teriparatide (PTH 1-34): liều thường dùng 20 µg mỗi ngày; thời gian tối đa 2 năm. Không dùng đồng thời với bisphosphonate.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Cơ xương khớp. NXBY học 2016.
2. Thư viện Y tế Sức khỏe cho mọi người- Tỷ lệ loãng xương ở việt nam đang ở trong tình trạng đáng báo động – Cập nhật 17/5/2021: https://ehib.org/ty-le-loang-xuong-o-viet-nam-2371
3. Loãng Xương- PGS.TS. Nguyễn Đình Khoa – Bệnh viện Chợ Rẫy
4. Bệnh loãng xương (osteoporosis): Một số điều cần biết- BS. Vũ Thị Thanh Hoa – Khoa Nội Thận – Khớp (A15) – Bệnh viện TUQĐ 108