BỊ GOUT KIÊNG ĂN GÌ TRONG MÙA LỄ TẾT – LỜI KHUYÊN TỪ CHUYÊN GIA
Người bị gout kiêng ăn gì trong các bữa ăn thịnh soạn mùa lễ tết để không phải lo về những cơn đau tái phát? Để tận hưởng trọn vẹn mùa lễ tết một cách an toàn, chìa khoá chính là sự kết hợp giữa kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống và duy trì lối sống lành mạnh. Dưới đây là những hướng dẫn chi tiết giúp xua tan nỗi lo bệnh gút dưới góc nhìn của các chuyên gia.
Người bị gout kiêng ăn gì?
Buổi tiệc mùa lễ tết thường phong phú với các thực phẩm giàu purin và các loại bánh kẹo chứa đường fructose, có thể làm tăng nồng độ axit uric và kích thích hoặc làm trở nặng cơn gút. Những người mắc gout cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh:
Tránh xa các loại thực phẩm:
- Đồ uống có cồn, nên ưu tiên rượu vang nếu sử dụng, tránh bia và các loại rượu khác.
- Đồ uống có ga chứa chất tạo ngọt HFCS.
- Phủ tạng động vật như gan, thận, tim; thịt đỏ như thịt bò; hải sản như sò, mực, tôm, cua, hàu,…
Bổ sung các loại thực phẩm:
- Trái cây, rau xanh giàu vitamin C như cam, bưởi, dâu tây, cà chua giúp giảm nồng độ axit uric và ngăn ngừa cơn gút.

Chế độ ăn uống cho người bệnh gout (nguồn: Freepik)
Duy trì lối sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh
Mùa lễ tết với những đặc điểm thời tiết và lịch trình sinh hoạt thay đổi có thể làm đảo lộn những thói quen hàng ngày. Người bệnh gút hãy cố gắng giữ kỷ luật về lối sống:
- Giữ ấm cơ thể: trong thời tiết lạnh của mùa tết, giữ ấm cơ thể là quan trọng để tránh kích thích cơn gút.
- Uống đủ nước mỗi ngày: bổ sung nước đầy đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp bạn duy trì độ ẩm cơ thể, đồng thời tăng khả năng lưu thông máu, nước tiểu được đào thải ra ngoài kèm theo axit uric dư thừa.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Trường hợp bạn tăng cân, cần cố gắng giảm cân bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập luyện thể dục.
- Vận động đều đặn: tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ nhanh hoặc đạp xe có thể giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Duy trì lối sống lành mạnh (Nguồn: Freepik)
Tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Dịp lễ tết với những hoạt động vui chơi, những chuyến du lịch dài ngày có thể khiến bệnh nhân gút quên sử dụng thuốc đều đặn. Nếu bạn có người thân bị gút, hãy nhắc nhở họ uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, một số hiểu biết cơ bản về các loại thuốc thường dùng cũng giúp nâng cao an toàn trong quá trình điều trị:
Nhóm thuốc được chỉ định cho trường hợp gút cấp như:
- Thuốc chống viêm không steroid – NSAID: etoricoxib, aspirin, ibuprofen,…
- Thuốc colchicine.
- Thuốc ức chế IL-1.
- Thuốc corticosteroid: methylprednisolon.
Nhóm thuốc có thể sử dụng lâu dài để hạ axit uric, bao gồm:
- Ức chế tổng hợp axit uric: allopurinol, febuxostat.
- Thúc đẩy quá trình đào thải axit uric: probenecid.
- Tiêu hủy axit uric: pegloticase.
- Ức chế tái hấp thu axit uric tại thận: lesinurad.
Nắm rõ dấu hiệu và cách xử lý cơn gút cấp
Trong trường hợp bùng phát cơn gút cấp, việc nắm rõ triệu chứng và các bước xử lý kịp thời là điều rất quan trọng.
- Dấu hiệu gút: đau, sưng và đỏ ở khớp, thường xuất hiện ở ngón chân cái. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay lập tức.
- Xử lý cơn gút: người bệnh cần nghỉ ngơi, tăng cường uống nước, sử dụng thuốc chống viêm và giảm đau như colchicine. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc khác tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.

Người bệnh cần nắm rõ dấu hiệu của con gút cấp để xử trí kịp thời
Trên đây là những thông tin giúp người bệnh gút quản lý và điều trị bệnh tốt hơn mùa lễ tết. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về bệnh lý và các thông tin khác trước khi sử dụng thuốc.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
[SM-ARTI-089-0124]
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.