5 CÁCH GIẢM TRIỆU CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH TRONG DỊP TẾT
Tết đến, các gia đình luôn chuẩn bị nhiều món ngon để đãi khách và thưởng thức dịp Tết. Tuy nhiên, các triệu chứng ruột kích thích lại trở thành nỗi ám ảnh trong những bữa tiệc tùng tất niên và dịp Tết.
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn ảnh hưởng đến nhu động và độ nhạy cảm của đường ruột với các biểu hiện thường gặp như đau bụng, đầy hơi, thay đổi thói quen đi đại tiện, cảm giác muốn đi đại tiện khẩn cấp, cảm giác đi đại tiện không hết phân,… ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Người mắc hội chứng ruột kích thích thường bị tiêu chảy và táo bón
Vì sao các triệu chứng ruột kích thích dễ tái phát ngày Tết?
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Vào dịp Tết chúng ta hay ăn thực phẩm nhiều chất dầu mỡ, dễ sinh hơi, khó tiêu hóa như giò chả, đồ chiên rán, các thực phẩm ăn nhanh,… ít rau xanh. Bên cạnh đó, các buổi tổng kết cuối năm, tiệc tất niên diễn ra thường xuyên, mọi người thường sử dụng các loại đồ uống kích thích như rượu bia, nước ngọt có ga… sẽ dẫn đến ruột dễ bị kích thích, co thắt mạnh, từ đó bị tái phát hoặc tăng nặng triệu chứng đau bụng, đi ngoài.

Đồ ăn nhiều dầu mỡ và thay đổi thói quen ăn uống khiến triệu chứng ruột kích thích tái phát
Thay đổi thói quen ăn uống
Ngày tết chúng ta thường có thói quen ăn uống không điều độ, không đúng giờ giấc, thậm chí là 5 – 6 bữa/ ngày phá vỡ nhịp sinh học và gây quá tải cho hệ tiêu hóa
Thức ăn nấu đi nấu lại
Để tiết kiệm thời gian, tiện chế biến nhanh để đãi khách, thức ăn ngày Tết thường được các gia đình chuẩn bị những món chế biến sẵn, nấu đi nấu lại khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, gây tái phát bệnh và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh ở những người bị hội chứng ruột kích thích.
Chế độ ăn uống dành cho người mắc hội chứng ruột kích thích?
Hạn chế thực phẩm gây kích thích
- Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, các loại đồ uống có ga, cà phê và rượu bia. Những thực phẩm này có thể gây kích thích ruột, khiến triệu chứng khó chịu tăng lên.
- Hạn chế thực phẩm có nhiều đường lactose (trong sữa và sản phẩm từ sữa) và fructose (trong nước ngọt, nước trái cây), vì dễ gây đầy hơi, khó chịu.
Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa
- Ưu tiên các món luộc, hấp hoặc nướng, ít dầu mỡ để giảm tải cho hệ tiêu hóa.
- Sử dụng các loại rau củ quả như bắp cải, bí đỏ, cà rốt, rau diếp, và trái cây ít đường như táo, dâu tây để cung cấp chất xơ hòa tan, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Ăn chậm, nhai kỹ
Trong không khí sum vầy, hãy ăn chậm và nhai kỹ để giúp tiêu hóa tốt hơn. Việc này giảm bớt gánh nặng cho ruột, ngăn ngừa tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
Chia nhỏ bữa ăn
Thay vì ăn quá nhiều trong một bữa, hãy chia nhỏ khẩu phần ra nhiều lần trong ngày. Điều này giúp kiểm soát triệu chứng và giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
Uống đủ nước
Bổ sung nước thường xuyên để giúp tiêu hóa tốt và ngăn ngừa táo bón, một trong những triệu chứng dễ gặp ở người mắc hội chứng ruột kích thích.
Tránh căng thẳng
Ngày Tết thường đi kèm với nhiều hoạt động nhưng cố gắng giữ tinh thần thư giãn, vì căng thẳng cũng có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của ruột kích thích.
Cách giảm triệu chứng ruột kích thích để yên tâm đón Tết
Điều trị không dùng thuốc
- Nên bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh: ăn đúng bữa, đúng giờ với lượng thực phẩm lành mạnh.
- Ăn chậm, nhai kỹ để hạn chế nuốt khí vào, làm giảm đầy bụng, chướng hơi, giảm sự căng giãn đột ngột ống tiêu hóa.

Người có triệu chứng ruột kích thích nên ăn nhiều rau xanh và ăn chậm lại
Điều trị dùng thuốc
Tùy theo thể và trên từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ kê loại phù hợp để điều trị triệu chứng.
- Thuốc chống co thắt (trimebutin, alverin, mebeverin,…)
- Thuốc chống tiêu chảy (loperamid)
- Thuốc nhuận tràng (macrogol)
- Thuốc chống trầm cảm
Trimebutin là thuốc chống co thắt có tác động trên cơ trơn, điều chỉnh sự vận động đường tiêu hóa. Trimebutin có thể kích thích sự vận động ở ruột và cũng có thể ức chế sự vận động này nếu trước đó đã bị kích thích.
Trimebutin nên được uống trước bữa ăn; liều dùng cần theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn hiểu về chứng đầy bụng, khó tiêu. Những thông tin được cung cấp trong bài viết này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, dược sĩ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về bệnh lý của bạn và các thông tin trước khi dùng thuốc.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào
Nguồn tham khảo
Báo Sức khỏe & đời sống