RỐI LOẠN LO ÂU LÀ GÌ? CÁC TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder) là một nhóm các rối loạn tâm lý đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, sợ hãi hoặc bất an kéo dài và quá mức, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù lo lắng là một phản ứng bình thường trước các tình huống căng thẳng, nhưng ở người rối loạn lo âu, mức độ lo lắng trở nên không cân xứng và khó kiểm soát.
Các loại rối loạn lo âu phổ biến:
- Rối loạn lo âu tổng quát (Generalized Anxiety Disorder – GAD): người bệnh lo lắng liên tục về nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder): xuất hiện các cơn hoảng sợ đột ngột kèm triệu chứng như tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt.
- Ám ảnh sợ xã hội (Social Anxiety Disorder): Sợ hãi và lo lắng quá mức khi phải giao tiếp hoặc xuất hiện trước đám đông.
- Rối loạn ám ảnh sợ hãi (Phobia): sợ hãi cực đoan trước một đối tượng, tình huống hoặc hoạt động cụ thể (như sợ độ cao, sợ không gian kín).
- Rối loạn lo âu chia ly (Separation Anxiety Disorder): Thường xảy ra ở trẻ em, khi phải tách rời người thân hoặc môi trường quen thuộc.
Nguyên nhân gây rối loạn lo âu
- Yếu tố sinh học: rối loạn lo âu có liên quan đến sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, dopamine và norepinephrine. Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng và cảm giác lo lắng. Khi hoạt động của chúng bị rối loạn, khả năng kiểm soát căng thẳng của cơ thể giảm đi, dẫn đến lo âu kéo dài.
- Yếu tố di truyền: đây là yếu tố góp phần quan trọng trong việc gây nên chứng rối loạn lo âu ngày càng cao. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy hệ thần kinh trung ương của người bị rối loạn lo âu thường phản ứng mạnh mẽ hoặc quá mức trước các tình huống căng thẳng, gây ra cảm giác lo âu không kiểm soát được.
- Yếu tố tâm lý: những trải nghiệm đau thương hoặc sang chấn tâm lý như mất mát người thân, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, hoặc tai nạn nghiêm trọng có thể trở thành yếu tố kích hoạt rối loạn lo âu. Những sự kiện này không chỉ để lại dấu ấn trong tâm trí mà còn ảnh hưởng đến cách não bộ xử lý cảm xúc và phản ứng trước nguy hiểm. Ngoài ra, cách nuôi dạy cũng là một nguyên nhân quan trọng. Trẻ em lớn lên trong môi trường thiếu an toàn, bị kiểm soát quá mức hoặc bị phớt lờ nhu cầu cảm xúc thường có xu hướng lo lắng nhiều hơn khi trưởng thành.
- Yếu tố môi trường: áp lực từ môi trường sống hiện đại, như công việc căng thẳng, học tập quá tải hoặc các vấn đề tài chính, có thể khiến con người rơi vào trạng thái lo âu kéo dài. Các mối quan hệ xã hội không ổn định, như xung đột trong gia đình hoặc với bạn bè, cũng tạo gánh nặng tâm lý. Đặc biệt, việc thiếu sự hỗ trợ từ người thân, cảm giác cô lập hoặc không được thấu hiểu càng khiến người bệnh dễ rơi vào vòng xoáy lo âu.
- Lối sống và thói quen: thói quen sống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn lo âu. Thiếu ngủ kéo dài làm giảm khả năng đối phó với căng thẳng, trong khi chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng hoặc lạm dụng chất kích thích như caffeine, rượu bia, thuốc lá càng làm tăng mức độ lo lắng. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất hoặc không có thời gian thư giãn cũng khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái căng thẳng mãn tính.
Các triệu chứng rối loạn lo âu
- Lo lắng quá mức: người bệnh thường cảm thấy lo âu kéo dài, khó kiểm soát, ngay cả khi không có lý do rõ ràng.
- Cảm giác sợ hãi vô cớ: có cảm giác bất an, lo sợ về những sự kiện xấu có thể xảy ra.
- Căng thẳng thần kinh: thường xuyên cảm thấy bồn chồn, dễ bị kích động, hoặc không thể thư giãn.
- Khó tập trung: người bệnh khó tập trung vào công việc, học tập, hoặc các hoạt động thường ngày do đầu óc luôn bị xao lãng bởi những suy nghĩ lo lắng.
- Suy nghĩ tiêu cực: hay suy diễn về những tình huống xấu nhất, dẫn đến tâm trạng bi quan hoặc tuyệt vọng.
- Tim đập nhanh: người bệnh thường cảm thấy tim đập nhanh hoặc mạnh hơn bình thường, ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Khó thở: cảm giác thở dốc hoặc hụt hơi, đặc biệt trong những tình huống gây căng thẳng.
- Đổ mồ hôi nhìn: mồ hôi nhiều, thậm chí khi nhiệt độ không cao hoặc không vận động.
- Run rẩy: tay chân run không kiểm soát được, nhất là khi phải đối mặt với những tình huống gây lo âu.
- Mệt mỏi: dù không làm việc nặng nhưng người bệnh vẫn cảm thấy kiệt sức do hệ thần kinh bị căng thẳng liên tục.
- Rối loạn tiêu hóa: cảm giác buồn nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy khi gặp áp lực.
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, thường thức dậy giữa đêm do suy nghĩ quá nhiều.
- Cáu gắt: dễ nổi nóng hoặc phản ứng thái quá trước những chuyện nhỏ nhặt.
Điều trị chứng rối loạn lo âu
Tâm lý trị liệu
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): đây là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị rối loạn lo âu. CBT giúp người bệnh thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực và học cách đối phó với các tình huống gây căng thẳng một cách lành mạnh.
- Liệu pháp tiếp xúc (Exposure Therapy): Người bệnh được tiếp xúc dần dần với những yếu tố gây lo âu để giảm sự nhạy cảm và tăng khả năng kiểm soát cảm xúc trong những tình huống đó.
- Liệu pháp nhóm: tham gia các buổi trò chuyện giúp người bệnh cảm thấy được chia sẻ, giảm cảm giác cô lập và học hỏi kinh nghiệm từ người khác.
Dùng thuốc
Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người mà việc điều trị bằng thuốc có thể kéo dài trong vòng 6 tháng đến 1 năm, thậm chí là lâu hơn. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Việc người bệnh cần làm lúc này là tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ đồng thời tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để điều chỉnh loại thuốc và liều lượng phù hợp với tiến triển của bệnh.


Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế và Davipharm phối hợp thực hiện