ĐAU CÁCH HỒI – DẤU HIỆU CỦA CÁC BỆNH LÝ TIM MẠCH NGUY HIỂM
Đau cách hồi là hiện tượng đau một nhóm cơ, thường là cơ cẳng chân, hông hoặc mông xuất hiện khi gắng sức, khi đi lại và giảm đau khi nghỉ. Nguyên nhân do dòng máu bị tắc hẹp nên không cung cấp đủ oxy cho các hoạt động của cơ bắp. Đau cách hồi là dấu hiệu của các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm.
Triệu chứng đau cách hồi
Người bệnh đau khi vận động: cảm giác co rút, thắt chặt, đau nhức, rất khó chịu, sau khi hoạt động, đặc biệt là khi đi một quãng đường nhất định. Đau có thể ở bắp chân, đùi, mông tùy thuộc vào vị trí động mạch cấp máu bị hẹp hoặc tổn thương.
Cơn đau thường giảm khi ngồi nghỉ và sẽ xuất hiện trở lại nếu tiếp tục đi lại. Vì vậy, không thể đi liên tục một quãng đường dài, mà phải khập khiễng và ngắt quãng với từng đoạn đường ngắn, vừa đi vừa nghỉ.

Triệu chứng đau cách hồi thường xuất hiện ở bắp chân, mông, đùi
Khi hoạt động mạnh hơn như chạy nhanh, leo dốc, lội nước, cơn đau sẽ xuất hiện sớm hơn. Khi bệnh nặng hơn, quãng đường đi được càng ngắn lại, thậm chí, cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi.
Biến đổi màu sắc da hoặc loét: nếu dòng máu giảm nhiều, ngón chân, ngón tay có thể trông nhợt nhạt hoặc cảm giác lạnh khi chạm vào, thậm chí có vết loét ở cẳng chân, ngón chân, …
Nguyên nhân gây đau cách hồi
Đau cách hồi là biểu hiện thường gặp nhất của bệnh động mạch ngoại biên. Khi đó, động mạch cung cấp máu cho chân, tay bị tổn thương, thường là hậu quả của xơ vữa động mạch.
Xơ vữa làm hẹp động mạch và động mạch trở nên cứng hơn do lắng đọng chất béo, cholesterol và các chất liệu khác (gọi là mảng vữa) ở thành động mạch. Mảng vữa khiến cho động mạch bị hẹp và giảm dòng máu đi qua động mạch hẹp.

Cảm giác đau là do cơ không nhận đủ máu được bão hòa ôxy (cần thiết cho sự co cơ)
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ bị đau cách hồi cũng chính là người có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, như hút thuốc lá, thuốc lào; rối loạn chuyển hóa mỡ máu; tăng huyết áp; thừa cân, béo phì; đái tháo đường; tuổi cao; tiền sử gia đình mắc xơ vữa động mạch.
Khi cơn đau xảy ra ở những người trung niên, có yếu tố nguy cơ, dùng thuốc giảm đau thông thường không cải thiện triệu chứng, có thể nghĩ đến đau cách hồi do nguyên nhân mạch máu. Khi đó, cần đi khám ngay để có thể phát hiện sớm bệnh.
Điều trị đau cách hồi
Thay đổi lối sống
Điều trị giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu hơn và làm giảm các biểu hiện. Việc thay đổi lối sống là điều đầu tiên và quan trọng không những trong điều trị mà còn trong phòng ngừa bệnh:
- Bỏ hút thuốc lá: Sẽ giúp làm chậm tiến triển bệnh động mạch ngoại biên và các bệnh liên quan đến tim mạch khác.
- Luyện tập: nhiều người lo lắng về việc tập luyện có gây ra đau cách hồi hay không. Trên thực tế, luyện tập đúng cách giúp cơ sử dụng ôxy hiệu quả hơn, tăng khoảng cách đi bộ mà không đau.
- Kiểm soát tốt mức cholesterol trong máu và huyết áp. Ngoài việc dùng thuốc điều chỉnh mỡ trong máu theo đơn của bác sĩ, thực hiện chế độ ăn ít chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa (chất béo động vật, phủ tạng động vật, đồ ăn chiên, rán sào, đồ ăn chế biến sẵn, lòng đỏ trứng, v.v.); tăng cường hoa quả, rau xanh.
- Kiểm soát tốt mức đường trong máu (nếu có đái tháo đường).
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.

Duy trì lối sống lành mạnh để giảm các triệu chứng đau cách hồi
Điều trị nội khoa
Hiện có hai phương pháp chính điều trị chứng đau cách hồi: Điều trị nội khoa và tái lưu thông lại mạch máu.
Điều trị nội khoa bằng thuốc được lựa chọn đầu tiên vì không xâm lấn, thường dùng thuốc Cilostazol (giảm đau cách hồi bằng việc giãn động mạch để cải thiện lưu lượng máu). Tái lưu thông mạch máu ở bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Có hai cách can thiệp là can thiệp nội mạch và phẫu thuật nối tắt động mạch. Phương pháp can thiệp nội mạch có thể dùng bóng đưa vào vị trí hẹp để nong rộng ra và tăng lưu lượng máu hoặc đặt giá đỡ (stent) ở nơi động mạch bị hẹp.
Can thiệp nội mạch được thực hiện ở các trung tâm lớn, người ta đưa dụng cụ can thiệp qua động mạch đùi đến nơi hẹp để thực hiện từ bên trong lòng mạch.
Trong trường hợp phẫu thuật nối tắt, bệnh nhân sẽ được mổ hở để thay thế đoạn mạch hẹp bằng đoạn mạch nhân tạo hoặc dùng mạch máu khác nối qua điểm hẹp giúp cho lưu lượng máu trở lại bình thường.
Đau cách hồi là hiện tượng đau do giảm dòng máu nuôi dưỡng cơ, thường xảy ra trong lúc vận động, hay gặp ở chân nhưng cũng có thể gặp ở tay. Đây là chứng bệnh thường gặp ở người trung và cao tuổi, biểu hiện của bệnh động mạch ngoại biên. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, người bệnh vẫn có thể duy trì được các hoạt động bình thường mà không đau.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Nguồn tham khảo
Báo Sức khỏe & Đời sống
Hội tim mạch học Việt Nam