ĐAU LƯNG DO VIÊM CỘT SỐNG DÍNH KHỚP
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý phổ biến trong các bệnh về xương khớp, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và có khả năng gây tàn phế nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách.
Viêm cột sống dính khớp là gì?
Bệnh viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cột sống tiến triển. Ngoài các biểu hiện theo trục của bộ xương, VCSDK còn có các biểu hiện ngoại biên bao gồm viêm các khớp ngoại biên, viêm tại chỗ bám vào xương của các gân và dây chằng, viêm màng bồ đào, viêm van động mạch chủ.
Bệnh thường khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên với tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn gấp 2-3 lần so với nữ giới. Bệnh VCSDK nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ tiến triển đến viêm, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên, gây gù vẹo, mất chức năng và thậm chí tàn phế.

Viêm cột sống dính khớp thường gặp ở nữ giới hơn nam giới
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân bệnh VCSDK hiện vẫn còn chưa rõ ràng, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền:
- Ở các cặp sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ đồng mắc là 63%, ở các cặp sinh đôi khác trứng, tỷ lệ đồng mắc bệnh là 13%.
- Nếu có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em, con cái) mắc bệnh, khả năng bị VCSDK tăng 6-16 lần.
- Các nghiên cứu đã chỉ ra gen HLA-B27 – gen quy định kháng nguyên bạch cầu người có liên quan đến cơ chế sinh bệnh khi có 90% bệnh nhân VCSDK có hiện diện HLA-B27.
Triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp
- Các triệu chứng bao gồm đau đốt sống lưng, đau vùng lưng kèm theo bị tê cứng phần dưới cột sống và khớp háng, triệu chứng viêm cứng tương tự như bệnh viêm thấp khớp.
- Đau nặng hơn vào buổi sáng, bệnh nhân cảm giác như các đốt sống lưng bị dính lại, không linh hoạt, khó cử động, phải mất một lúc mới từ từ căng giãn lưng được. Đau cũng có thể xảy ra ở các khớp khác như khớp háng, khớp vai, phần dây gân gót bàn chân sưng tấy.
- Đau lưng do viêm cột sống dính khớp thường kèm theo đau cổ và mệt mỏi, bệnh nhân cảm giác thiếu năng lượng.

Triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp
Biến chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp
Bệnh nhân VCSDK nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng dính khớp cột sống và các khớp ngoại biên:
- Dính khớp cột sống gây gù vẹo.
- Dính khớp háng, khớp gối gây khó khăn trong việc đi lại.
- Dính khớp xương sườn gây hạn chế vận động lồng ngực, gây hội chứng phổi hạn chế, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
- Bệnh VCSDK làm tăng mất khoáng xương, do đó các bệnh nhân thường dễ bị loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương bệnh lý như gãy xẹp hoặc gãy lún đốt sống, làm nặng thêm tình trạng gù vẹo và biến dạng cột sống.
- Các biến chứng khác có thể gặp như viêm màng bồ đào mắt, bệnh lý rễ thần kinh, bệnh lý van động mạch chủ,…
Điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp
Mục tiêu trong điều trị VCSDK là cải thiện các triệu chứng đau khớp, cứng khớp, mệt mỏi; phục hồi và duy trì chức năng của cột sống và khớp, không để tiến triển đến tổn thương cấu trúc khớp.
Điều trị dùng thuốc
- Điều trị triệu chứng: sử dụng NSAIDs như ibuprofen, etoricoxib, naproxen,…; thuốc giãn cơ: eperison, thiocolchicosid, baclofen,…
- Điều trị đặc hiệu: sử dụng thuốc sulfasalazine nếu bệnh nhân có tổn thương gân, khớp ngoại biên. Các thuốc sinh học được chỉ định trong trường hợp không đáp ứng với NSAIDs và sulfasalazine.
- Bổ sung thêm canxi và vitamin D3 do bệnh nhân VCSDK có nguy cơ mất khoáng xương cao hơn người bình thường.

Mục tiêu điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp là cải thiện triệu chứng đau khớp, cứng khớp
Điều trị không dùng thuốc
- Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong chữa trị bệnh VCSDK, làm giảm đau lưng, tăng cường khả năng vận động, tăng cường độ co dãn và linh hoạt giữa các dây chằng và cơ xương bị viêm sưng vùng sống lưng. Tập các bài tập đơn giản và phù hợp tùy theo mức độ đau lưng nặng hay nhẹ cũng như điều chỉnh cách nằm ngủ, đi đứng theo hướng dẫn của các chuyên viên vật lý trị liệu để có thể cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.
- Tập thể dục thể thao vừa sức như chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…
- Duy trì tư thế cơ thể thích hợp khi đi, đứng, ngồi, nằm,…
- Phẫu thuật: hầu hết bệnh nhân mắc VCSDK không cần phẫu thuật. Trong vài trường hợp bị đau nhức quá mức do vỡ xương thì phẫu thuật can thiệp giảm đau có thể là một giải pháp tạm thời. Về lâu dài, bệnh nhân cần học cách sống chung với bệnh và cải thiện chức năng cột sống tùy vào tình trạng bệnh của mình.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
[SM/ARTI/109/0424]
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.