Cơ xương khớp

ĐAU THẮT LƯNG: NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Admin
14/10/2024

Đau thắt lưng có thể lan tỏa xuống hông, và chấn. Mặc dù cơn đau có thể biến mất tự nhiên nhưng khi lặp lại nhiều lần, đau thắt lưng có thể gây teo cơ, bại liệt.

Tìm hiểu chung

Đau thắt lưng là tình trạng phổ biến, gây đau phần lưng dưới và có thể lan tỏa xuống hông và chân. Cơn đau gây khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Cơn đau có thể biến mất mà không cần điều trị, tuy nhiên tình trạng đau thường lặp lại nhiều lần và có thể gây những biến chứng nguy hiểm như teo cơ, bại liệt.

Người bệnh cần nhận biết các dấu hiệu để cách điều trị đúng và lối sống hợp lý để tránh những biến chứng nghiêm trọng đến hệ cơ xương khớpcột sống.

Nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết 

ĐAU THẮT LƯNG: NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Đau thắt lưng thường gây đau phần lưng dưới và có thể lan tỏa xuống hông và chân.
(Nguồn: internet)

Đau thắt lưng có các dạng thường gặp là do nguyên nhân cơ học và đau thắt lưng triệu chứng. 

Đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học

Chiếm đến 95% nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng cấp tính, diễn biến thường lành tính. Tình trạng này xuất hiện ở những người không có tiền sử ngã hoặc chấn thương rõ rệt, mà hình thành dần dần ở người có tiền sử đau cột sống thắt lưng cấp hoặc đau thần kinh tọa, hoặc đã từng đau cột sống thắt lưng thoáng qua. 

Người bệnh thường cảm thấy đau tăng khi gắng sức, đứng lâu, khi gấp thân, khi ngồi, khi ngủ trên giường mềm; và cơn đau giảm khi bỏ gắng sức, nằm tư thế hợp lý, nằm giường cứng… Tình trạng đau hầu như liên quan đến thời tiết, ở phụ nữ có thể liên quan đến thời kì trước hành kinh. Bệnh nhân thường đau vào buổi tối, khi đi ngủ.

Đau thắt lưng triệu chứng

Là tình trạng trầm trọng hơn với các bệnh lý về xương, bệnh thấp khớp, chấn thương, nhiễm khuẩn, ung thư. Nhóm bệnh này cần được khám chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị nguyên nhân. 

Đau khởi phát đột ngột ở người không có đau cột sống thắt lưng cấp hay mạn trước đó. Đau không ở vùng thấp của cột sống thắt lưng mà ở vùng cao, hoặc kèm theo đau vùng mông, cột sống phía trên, lan ra xương sườn… Đau không giảm mà tăng dần, không đỡ hoặc có các cơn đau khó chịu trên nền đau thường xuyên. Không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường, thời gian đau trên 6 tuần.

Đối tượng dễ mắc đau thắt lưng

  • Tuổi tác: Người trên 30 tuổi có nguy cơ mắc cao hơn do cấu trúc đĩa đệm yếu và mòn đi theo tuổi tác. 
  • Người thừa cân/béo phì: do trọng lượng dư thừa gây áp lực lên các khớp và đĩa đệm.
  • Nghề nghiệp và lối sống: Các công việc và hoạt động đòi hỏi phải nâng vật nặng hoặc cúi người có thể làm tăng nguy cơ chấn thương lưng.
  • Các vấn đề về cấu trúc xương khớp: Đau thắt lưng có thể xảy ra do tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như chứng vẹo cột sống, làm thay đổi sự liên kết của cột sống.
  • Bệnh tật: Người có tiền sử gia đình bị viêm xương khớp, một số loại ung thư mang nguy cơ mắc cao hơn.
  • Sức khỏe tổng quát: Người hút thuốc, lạm dụng đồ uống có cồn hoặc có lối sống ít vận động có nguy cơ cao hơn.
  • Sức khỏe tinh thần: Trầm cảm và rối loạn lo âu 

Điều trị đau thắt lưng  

Điều trị đau thắt lưng kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phẫu thuật, thay đổi lối sống. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ đau thắt lưng. Hơn nữa, cần quan tâm của tâm lý người bệnh do bệnh lý thường kéo dài mạn tính, có thể gây bi quan, trầm cảm. 

Điều trị nội khoa

Thường kết hợp giữa các nhóm thuốc: thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ. Các hoạt chất dùng trong điều trị bao gồm: 

+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib

+ Thuốc giảm đau: Paracetamol, Paracetamol + Codein, Paracetamol + Tramadol. 

+ Thuốc giãn cơ: Eperison, Thiocolchicosid, Tolperison.

Trong trường hợp người bệnh có những cơn đau có nguồn gốc thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với các thuốc giảm đau thần kinh như GabapentinPregabalin.

Vật lý trị liệu

Bao gồm các biện pháp chườm nóng, chườm đá, xoa bóp, châm cứu, kích thích điện,… nhằm tăng cường cơ bắp để hỗ trợ cột sống, cũng như tăng độ linh hoạt để tránh các chấn thương. 

Phục hồi chức năng

Bằng việc nghỉ ngơi hoàn toàn (nằm trên giường) 2-3 ngày và nghỉ ngơi tương đối sau đó, kết hợp các bài tập kéo giãn mạnh cơ và thể dục nhịp điệu. 

Phẫu thuật

Được chỉ định với các trường hợp có ép rễ hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 3 tháng, và được các chuyên khoa làm thăm dò xác định tình trạng tổn thương. Các biện pháp phẫu thuật phổ biến là cắt cung sau, cắt bỏ đĩa đệm bị thoát vị, giải phóng lỗ liên hợp, kết hợp đốt sống.

Thay đổi lối sống

Thay đổi và duy trì chế độ sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Nguyên nhân dẫn tới đau thắt lưng - Nguồn: Freepik

Điều trị đau thắt lưng cần kết hợp giữa nhiều nhóm thuốc

Lối sống phòng ngừa và giảm tiến triển triệu chứng đau thắt lưng  

Chế độ sinh hoạt

+ Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hay vận động quá mức và tránh các nghề như lái mô tô, máy kéo,… Tránh các môn thể thao như golf, bóng chuyền, bóng bầu dục, tennis, trượt tuyết, mang balo nặng đi bộ. Ngược lại, người bệnh có thể bơi, đi bộ hay đạp xe trên nền phẳng. 

+ Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác.

+ Điều chỉnh các tư thế làm việc, các vận động bất thường, đột ngột, các yếu tố làm mất cân bằng tư thế cột sống như quá ưỡn cột sống thắt lưng, quá vặn, quá nghiêng… 

+ Ngừng hút thuốc lá do hút thuốc và nicotin làm giảm dòng máu đến cột sống thắt lưng, gây thoái hóa đĩa đệm. 

Chế độ dinh dưỡng

Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn bao gồm đủ canxi và vitamin D để giữ tình trạng xương khớp khỏe mạnh nhất. Lưu ý giảm cân ở bệnh nhân có đau thắt lưng có kèm tình trạng thừa cân/ béo phì.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Nguồn tham khảo 

Bệnh học nội khoa –Trường Đại học Y Hà Nội

Mục lục