Tim mạch - Chuyển hóa

ĐAU THẮT NGỰC: DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH TIM

Admin
22/10/2024

Cơn đau thắt ngực là một triệu chứng thường gặp của bệnh lý động mạch vành gây ra do tình trạng thiếu máu cơ tim. Nếu không được điều trị kịp thời, cơn đau có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, suy tim, … và có thể dẫn đến tử vong!

Đau thắt ngực là gì?

Về mặt giải phẫu, động mạch vành là các mạch máu có nhiệm vụ cung cấp oxy, các dưỡng chất cần thiết cho cơ tim. Khi các động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc co thắt, quá trình này bị gián đoạn, hoặc bị giảm lưu lượng, khiến người bệnh cảm thấy đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi.

Mảng xơ vữa làm hẹp động mạch vành (Hình minh họa – nguồn Internet)

Mảng xơ vữa làm hẹp động mạch vành (Hình minh họa – nguồn Internet)

Phân loại

Đau thắt ngực khởi phát thành từng cơn với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, gây ra các cơn đau khó chịu ở vùng ngực, được chia làm 2 loại:

  • Đau thắt ngực ổn định: cơn đau thắt ngực xảy ra khi gắng sức hoạt động thể lực (tập thể dục, đi bộ lên cầu thang…), xúc động mạnh hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn…; thường diễn ra trong thời gian ngắn và giảm nhanh khi nghỉ ngơi, uống thuốc.
  • Đau thắt ngực không ổn định: cơn đau thắt ngực xảy ra đột ngột khi đang ngủ, nghỉ ngơi…; thường kéo dài và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi, uống thuốc.

Những nguyên nhân gây ra đau thắt ngực?

  • Do xơ vữa động mạch vành (nguyên nhân chủ yếu): sự tích tụ các chất béo (cholesterol, triglycerid) và canxi trong lòng động mạch vành, hình thành nên những mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này sẽ làm thành động mạch bị dày lên, lòng động mạch bị dẹp lại, thành động mạch kém đàn hồi, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim gây ra các cơn đau thắt ngực.
  • Do co thắt động mạch vành làm giảm cung cấp máu và oxy đến cơ tim.

Đối tượng nguy cơ

Triệu chứng 

  • Đau, khó chịu với cảm giác nặng, bỏng rát, bị bóp nghẹt… ở ngực
  • Cơn đau có thể lan lên tay, cổ, hàm, vai
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn, nôn
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt…
Triệu chứng điển hình của đau thắt ngực

Triệu chứng điển hình của đau thắt ngực

Lưu ý gì khi điều trị đau thắt ngực?

Các thuốc điều trị giúp tăng cường lưu thông máu ở động mạch vành, cung cấp đủ máu và oxy cho hoạt động của cơ tim.

  • Nhóm thuốc nitrat (glyceryl trinitrat, isosorbid dinitrat, isosorbid mononitrat) là những thuốc có tính giãn mạch, giúp tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, cung cấp đủ máu và oxy cho cơ tim.
  • Nhóm thuốc chẹn beta (carvedilol, atenolol, …) có tác dụng làm chậm nhịp tim, giãn mạch máu, cải thiện sự lưu thông máu ở động mạch vành.
  • Nhóm thuốc đối kháng canxi (amlodipin, nifedipin, …) có tác dụng giãn động mạch vành, tăng cường lưu thông máu đến tim.

Ngoài 3 nhóm thuốc chính kể trên, người bệnh có thể được bác sĩ điều trị kê thêm các loại thuốc sau:

  • Thuốc Trimetazidin
    • Tác dụng chính của thuốc trimetazidin là giúp bảo tồn năng lượng cho tế bào cơ tim, từ đó giúp cho tế bào cơ tim duy trì mức năng lượng hoạt động dù bị thiếu oxy hay thiếu máu cục bộ. 
    • Thuốc hầu như ít ảnh hưởng lên các thông số huyết động so với các nhóm thuốc khác. Do đó, đây được xem là một loại thuốc điều trị kết hợp tốt, đối với người bệnh thiếu máu cơ tim đã sử dụng các nhóm thuốc khác mà chưa kiểm soát tốt cơn đau thắt ngực.
    • Thuốc trimetazidin khá an toàn. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý thuốc có thể tăng nặng triệu chứng của bệnh Parkinson (run, mất kiểm soát vận động). Do đó đối với người bệnh cao tuổi, cần được theo dõi thường xuyên để tránh trường hợp té ngã.
  • Thuốc Ranolazin cải thiện tình trạng chuyển hóa năng lượng cơ tim, giảm đau thắt ngực và tăng khả năng gắng sức
  • Thuốc Ivabradin giúp làm giảm nhịp tim, điều này giúp giảm tải cho tim và giảm nhu cầu oxy cơ tim từ đó giảm cơn đau thắt ngực hiệu quả.
  • Thuốc Nicorandil với tác dụng chính là giãn mạch, giúp tăng lưu lượng máu tới động mạch vành, từ đó cải thiện cơn đau.

Khi kê đơn, bác sĩ đã cân nhắc loại thuốc, liều lượng để đảm bảo việc điều trị cũng như hạn chế tối đa tác dụng phụ cho người bệnh. Vì thế, bạn cần sử dụng đúng liều lượng, không ngưng thuốc đột ngột. Nếu trong trường hợp sử dụng thuốc không thấy hiệu quả hoặc gặp tác dụng phụ cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến các trung tâm y tế để thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp.

ĐAU THẮT NGỰC: DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH TIM

Bệnh nhân cần kết hợp điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống để kiểm soát cơn đau thắt ngực

Bên cạnh việc dùng thuốc, thay đổi lối sống sẽ giúp bạn phòng ngừa sự xuất hiện của cơn đau thắt ngực: không hút thuốc lá (thuốc lá gây co thắt các mạch máu và gia tăng xơ vữa động mạch vành), kiểm soát huyết áp và đường huyết, chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, ít chất béo, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, tránh béo phì.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Nguồn tham khảo

Báo Sức khỏe & Đời sống

Mục lục