Tiêu hóa

ĐẦY HƠI CHƯỚNG BỤNG: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH ĐIỀU TRỊ 

Admin
27/09/2024

Đầy hơi chướng bụng là một vấn đề tiêu hóa thường gặp. Nó có thể xảy ra sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc là triệu chứng của nhiều loại bệnh tiêu hóa khác nhau. Đầy bụng khó tiêu có thể hết khi thay đổi lối sống và dùng thuốc phù hợp

Đầy hơi chướng bụng là gì?

Đầy hơi, chướng bụng xảy ra khi lượng hơi tiết ra trong dạ dày và ruột nhiều, trong một số trường hợp bụng sẽ căng cứng, gây cảm giác khó chịu, tức bụng cho người mắc.

Bất kì ai cũng đều có thể bị chướng bụng, đầy hơi, tuy nhiên, người lớn tuổi và trẻ em là 2 đối tượng dễ mắc nhất. Ở người lớn tuổi, hệ tiêu hóa bị suy giảm chức năng, vận động hạn chế và do chế độ ăn thiếu chất xơ.

Trẻ em thường dễ bị đầy hơi hơn so với người lớn, vì hệ tiêu hóa ở trẻ chưa hoàn thiện và chưa thích nghi với việc tiêu hóa các loại thực phẩm. Ngoài ra, khi trẻ quấy khóc sẽ dễ nuốt nhiều không khí vào bụng, dẫn đến tích tụ nhiều không khí trong đường ruột.

Các triệu chứng thường gặp ở người bị đầy hơi, chướng bụng là ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, nôn, bụng căng lên và khó chịu. Ở một số người sẽ có hiện tượng táo bón xuất hiện. Khi có đau thắt ngực, cảm giác ở người bệnh sẽ càng khó chịu hơn, đặc biệt hiện tượng này càng dễ thấy ngay sau khi ăn.

Đầy hơi chướng bụng xảy ra khi lượng hơi tiết ra trong dạ dày và ruột nhiều khiến bụng căng tức, khó chịu

Đầy hơi chướng bụng xảy ra khi lượng hơi tiết ra trong dạ dày và ruột nhiều khiến bụng căng tức, khó chịu

Nguyên nhân của đầy hơi, chướng bụng

Do sinh lý tự nhiên 

Nuốt không khí: trong quá trình ăn uống, chúng ta có thể nuốt vào một lượng nhỏ khí oxy và nitơ vào bụng. Hoặc ở những người có thói quen nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, đeo răng giả, uống nước giải khát có gas hoặc ăn uống quá nhanh, đều dẫn đến nuốt khi nhiều hơn bình thường.

Quá trình tiêu hóa: Khi hệ tiêu hóa thực hiện chức năng, các vi khuẩn, vi sinh vật, men trong dạ dày sẽ tạo ra khí, chủ yếu là hydro, methane và carbon dioxide. Hoặc một số loại thức ăn cũng tạo ra khí lưu huỳnh khi đang được phân hủy. 

Thói quen ăn uống, sinh hoạt

Trung bình sau khi ăn, thời gian tiêu hóa thức ăn ở dạ dày và quá trình hấp thu ở ruột non thường diễn ra trong 3 đến 5 tiếng. Nếu sau thời gian này mà thức ăn vẫn chưa được tiêu hóa, sẽ dẫn đến hiện tượng chướng bụng, đầy hơi.

Các thói quen khi ăn uống cũng dẫn đến chướng bụng đầy hơi như:

  • Ăn quá nhiều, thường xuyên ăn những thức ăn khó tiêu (như thực phẩm giàu tinh bột; nhiều chất béo; sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas…)
  • Ăn nhiều thực phẩm tái, sống như nem chua, tiết canh, rau sống,…
  • Ăn không đúng cách: Ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn không đúng bữa, đúng giờ, vừa ăn no đã nằm ngay, vừa ăn vừa xem tivi…
ĐẦY HƠI CHƯỚNG BỤNG: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH ĐIỀU TRỊ

Tiêu thụ các thực phẩm nhiều dầu mỡ là một trong những nguyên nhân gây khó tiêu

Bệnh lý mãn tính

Đầy hơi, chướng bụng còn thường gặp ở những người bị các bệnh rối loạn tiêu hóa lâu năm, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, những người hay lo âu, thần kinh căng thẳng hoặc dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau…

Các bệnh lý này làm lợi khuẩn đường ruột suy giảm trầm trọng, hại khuẩn phát triển mạnh, chính hại khuẩn sinh ra nhiều các khí hư gây ra đầy hơi, chướng bụng.

Giảm và phòng ngừa cơn đầy hơi, chướng bụng

Giảm đầy hơi chướng bụng sau 5 phút

Nếu muốn dùng thuốc với hiệu quả nhanh tức thời bạn có thể dùng loại thuốc chữa trị các triệu chứng đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu chứa Dimethicon + Guaiazulen.

Người dùng có thể tìm thấy trong các chế phẩm: Gebhart, Pepsan, Pepsia…, giúp cải thiện các biểu hiện đường tiêu hoá như đầy hơi, ợ chua, ợ hơi, nóng rát thượng vị, đồng thời thuốc còn có công dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Liều lượng và cách uống bạn nên hỏi bác sĩ/ dược sĩ để được hướng dẫn.

Trị đầy hơi, chướng bụng bằng mẹo dân gian

Trà gừng

Gừng là thường được dùng trong các trường hợp cảm lạnh giúp làm ấm cơ thể, hoặc giúp làm giảm cảm giác buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, đi ngoài do rối loạn tiêu hóa.

Khi bị đầy bụng, bạn có thể nhai vài lát gừng tươi hoặc uống một cốc trà gừng mật ong nóng sau mỗi bữa ăn để giúp hỗ trợ tiêu hóa và ngăn đầy hơi

Vỏ quýt

Giảm đầy hơi chướng bụng bằng cách sử dụng vỏ quýt đã phơi khô, sắc với nước và thêm một thìa nhỏ mật ong để uống sau mỗi bữa ăn. Ngoài ra, vỏ quýt cũng giúp cải thiện tình trạng chán ăn rất hiệu quả.

Tỏi

Dùng vài nhánh tỏi bóc vỏ, giã nát và sau đó hòa cùng 50ml cùng 1 chút đường phèn, uống 2 lần trong ngày là một các hiệu quả để giảm tình trạng đầy hơi sau khi ăn.

Quế

Trị chướng bụng với quế bằng cách pha nửa thìa bột quế cùng 2 thìa mật ong và 200ml nước ấm là phương pháp được ưa chuộng và nhanh chóng khi có triệu chứng đầy hơi, khó tiêu. Quế cũng có tác dụng kích tiêu tiêu hóa, giúp ngon miệng và giảm chứng đầy hơi, ăn không tiêu hiệu quả.

Thay đổi thói quen, ngăn ngừa đầy hơi, chướng bụng 

Đa số các trường hợp đầy bụng do những nguyên nhân tạm thời thường nhẹ và tự khỏi. Chúng ta cũng có nhiều cách thức để làm giảm mức độ khó chịu của hiện tượng này. Một số cách bao gồm:

  • Vận động nhẹ nhàng trong 30 phút sau khi ăn. Không nằm xuống ngay sau khi ăn sẽ giảm được đáng kể những cơn trào ngược, ợ hơi và đầy bụng. Tránh vận động quá mạnh ngay sau khi ăn giúp hạn chế những cơn đau và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
  • Massage vùng bụng. Thao tác xoa bóp nhẹ nhàng đều đặn trên bụng giúp tăng nhu động ruột. Từ đó tác động tích cực lên quá trình tiêu hóa.
  • Sau những bữa tiệc lớn hoặc các bữa ăn nhiều đạm, hãy tráng miệng bằng các loại trái cây họ cam chanh quýt.
  • Men vi sinh, men tiêu hóa. Bổ sung ngắn hạn các loại men hỗ trợ tiêu hóa có thể giúp làm giảm tức thời các triệu chứng khó chịu.
  • Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh. Một thực đơn đa dạng dinh dưỡng và giàu chất xơ vô cùng có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Uống đủ nước mỗi ngày. Khoảng 2 lít nước mỗi ngày giúp đường ruột dễ dàng loại bỏ các độc tố, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
  • Hạn chế những thói quen ăn uống có hại. Ăn uống điều độ, đúng bữa, ăn chậm nhai kỹ,… sẽ hạn chế tình trạng đầy hơi khó tiêu. 
  • Giảm bớt tần suất ăn những thực phẩm kích thích, khó tiêu như: món chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ uống có ga, bia rượu, đồ cay nóng,..
  • Duy trì cân nặng hợp lí, tránh tích mỡ vùng bụng.
  • Hạn chế lối sống ù lì, ít vận động. Vận động vừa phải trong ngày hỗ trợ tốt cho hoạt động tiêu hóa. Ngoài ra, luyện tập thể dục còn giúp giữ được cân nặng phù hợp mà không cần ăn kiêng khắc nghiệt.
Thay đổi thói quen ăn uống và luyện tập thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Thay đổi thói quen ăn uống và luyện tập thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Bị đầy hơi chướng bụng, khi nào cần gặp bác sĩ?

Triệu chứng đầy bụng xảy ra thường xuyên và kéo dài là một dấu hiệu báo động rằng bạn cần thăm khám y khoa. Khi đi kèm với các triệu chứng sau, hãy liên hệ ngay để thăm khám với các chuyên gia và cơ sở y tế gần nhất: 

  • Tiêu chảy.
  • Có máu trong phân hoặc phân đen, sệt.
  • Đau bụng dữ dội hoặc kéo dài dai dẳng.
  • Liên tục nôn ói.
  • Sụt cân nhanh mà không do vận động hoặc ăn kiêng.
  • Chán ăn kéo dài, rối loạn lo âu hay trầm cảm.
  • Cảm giác tức ngực, nặng ngực, hay khó thở. Dù ít gặp nhưng cảm giác căng tức vùng trên rốn có thể nhầm lẫn với triệu chứng nặng ngực do một cơn nhồi máu cơ tim.

Phân biệt đầy hơi & béo bụng

Việc bụng to bất thường khiến nhiều người nghĩ nhầm lẫn giữa béo bụng và đầy hơi, từ đó chủ quan và không có biện pháp làm giảm triệu chứng tức thì khiến cảm giác khó chịu cứ tiếp diễn.

Cách nhanh nhất để phân biệt giữa đầy hơi, chướng bụng và béo bụng là ấn vào bụng. Nếu thấy dạ dày mềm, đó là do sự tích tụ chất béo ở vùng bụng. Ngược lại, khi dạ dày căng cứng do phản xạ rối loạn ở cơ bụng và cơ hoành, kèm cảm giác đau, khó chịu khi ấn vào, đó là tình trạng đầy hơi.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Mục lục