ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ VÚ
Loãng xương là một trong những tác dụng phụ lâu dài thường gặp ở những bệnh nhân đã trải qua hóa trị, liệu pháp hormon điều trị ung thư vú. Phương pháp dự phòng điều trị loãng xương ở bệnh nhân ung thư vú như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay!
Loãng xương là gì?
Loãng xương là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể người. Càng lớn tuổi, mật độ xương càng giảm do hoạt động của tế bào tạo xương thấp hơn tế bào hủy xương và làm cho xương ngày càng xốp với nhiều lỗ nhỏ li ti, xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy dù không có lực tác động hoặc lực tác động rất nhỏ.

Sơ đồ cấu trúc bên trong xương (Nguồn: internet)
Phân loại
Loãng xương tiên phát
Xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh và ở người già.
Loãng xương thứ phát
Là loại loãng xương xảy ra sau khi bị một hay nhiều yếu tố tác động, như do bệnh tật nằm bất động lâu ngày, do sử dụng lâu dài một số thuốc như
- Corticoid gây tăng đào thải canxi qua nước tiểu, thoái hóa protein cấu tạo nên xương
- Thuốc chống động kinh làm mất tác dụng của vitamin D dẫn đến mất khả năng chuyển hóa canxi tạo xương
- Các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú cũng là nguyên nhân gây ra loãng xương.
Nguy cơ loãng xương ở bệnh nhân điều trị ung thư vú
Estrogen là một hormon quan trọng giúp điều hòa mật độ xương, giúp bảo vệ xương và giảm mức độ kích hoạt hormon loãng xương. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh rất cao do sự thiếu hụt nồng độ estrogen trong cơ thể. Việc sử dụng các thuốc, liệu pháp gây sụt giảm nồng độ estrogen là nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương.
Các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị ảnh hưởng tới buồng trứng, làm sụt giảm estrogen. Một số nghiên cứu cho thấy mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh có hóa trị giảm nhiều hơn là không hóa trị. Phụ nữ tiền mãn kinh trước khi điều trị ung thư có thể trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hơn so với những người không bị ung thư vú.

Điều trị ung thư vú làm tăng nguy cơ loãng xương (Nguồn: internet)
Các thuốc ức chế aromatase (anastrozol, letrozol, exemestane…) làm giảm lượng estrogen tuần hoàn trong cơ thể, dẫn đến tình trạng mất xương. Những phụ nữ sống sót sau ung thư vú được điều trị bằng aromatase có nguy cơ loãng xương tăng 3 – 4 lần so với phụ nữ không bị ung thư vú. Bệnh nhân đang điều trị với nhóm thuốc này cần theo dõi tình trạng loãng xương.
Tamoxifen là thuốc được chỉ định giúp làm ngừng sự tăng trưởng của các tế bào ung thư vú. Theo một số nghiên cứu, điều trị ung thư vú bằng hóa trị kết hợp tamoxifen có nguy cơ mất xương tăng 2.48 lần so với phụ nữ không mắc bệnh ung thư.
Một số biện pháp ức chế buồng trứng bằng điều trị nội tiết, phẫu thuật, xạ trị… cũng là nguyên nhân làm giảm mật độ xương, gây loãng xương.
Dự phòng điều trị loãng xương ở bệnh nhân ung thư vú
Bổ sung canxi và vitamin D hỗ trợ điều trị loãng xương
Bổ sung canxi với liều lượng 1.000 – 1.200mg/ngày và vitamin D với liều lượng 800 – 1.000UI/ngày, tốt nhất là bổ sung thông qua chế độ ăn uống với các sản phẩm từ trứng, sữa, cá, tôm, các loại hạt, rau xanh…. Nếu bữa ăn không đủ dinh dưỡng, cần bổ sung bằng thuốc.
Tập thể dục
Tập thể dục, vận động rèn luyện sức khỏe đều đặn giúp thúc đẩy phát triển xương và làm xương chắc khỏe hơn. Tập thể dục giảm cân 4 – 5 lần một tuần để có lợi ích tối đa cho sức khỏe xương.
Duy trì lối sống lành mạnh
Bỏ hút thuốc lá và giảm uống rượu, bia, đồ uống có cồn…
Kiểm tra mật độ xương
Xét nghiệm đo mật độ khoáng chất trong xương BMD (Bone Mineral Density) ở các bộ phận khác nhau của cơ thể giúp phát hiện sớm, dự đoán khả năng loãng xương, gãy xương.
Thuốc điều trị loãng xương
Biphosphonate (alendronate, risedronate, zoledronic…) là nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và được khuyến cáo là chọn lựa đầu tiên trong điều trị tất cả các thể loãng xương.
Các thuốc phối hợp như alendronate – vitamin D giúp tăng hiệu quả và tăng tuân thủ điều trị với chế độ liều hằng tuần.
Một loại thuốc điều trị loãng xương khác là raloxifene làm giảm nguy cơ ung thư vú, được lựa chọn khi bệnh nhân không dụng nạp với bisphosphonate.
Lưu ý
Với các bệnh nhân ung thư vú có nguy cơ loãng xương cao như phụ nữ trên 65 tuổi, phụ nữ dưới 45 tuổi bị mãn kinh do điều trị, bệnh nhân ung thư vú đang điều trị bằng thuốc ức chế aromatase… việc dự phòng và điều trị loãng xương rất quan trọng.
Các đối tượng bệnh nhân này nên được theo dõi mật độ xương trong thời gian điều trị và có hướng sử dụng biphosphonate phù hợp theo chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ loãng xương, gãy xương.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.