ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA ĐAU THẦN KINH TỌA
Đau thần kinh tọa là bệnh lý gây đau nhức từ thắt lưng xuống dưới chân, ảnh hưởng lớn đến vận động và sinh hoạt hàng ngày. Cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và các biện pháp điều trị, phòng ngừa, hỗ trợ giảm thiểu cơn đau và nâng cao sức khỏe.
Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa – dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, bắt đầu từ thắt lưng, chạy xuống mông và chân. Căn bệnh này thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên, đặc biệt là những người có thói quen làm việc ngồi lâu, ít vận động, hay thực hiện các động tác không đúng tư thế khi lao động, sinh hoạt.

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc từ vùng hông – lưng xuống tới đầu ngón chân
Triệu chứng
- Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa: cơn đau thường bắt đầu từ thắt lưng và lan xuống một bên mông, đùi, và cẳng chân. Cảm giác đau có thể là đau âm ỉ, đau rát hoặc như bị kim châm.
- Tê bì và yếu cơ: bệnh nhân có thể cảm thấy tê bì, nóng ran hoặc giảm cảm giác ở vùng lưng dưới, mông, hoặc chân. Cơ chân có thể bị yếu, khiến người bệnh khó đứng lên hoặc đi lại bình thường.
- Cơn đau tăng lên khi cử động: những hoạt động như ngồi lâu, đứng dậy, cúi người hoặc nâng vật nặng có thể làm tăng cơn đau.
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột: trong trường hợp nghiêm trọng, đau thần kinh tọa có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang và ruột, gây mất kiểm soát đi tiểu và đại tiện.
Nguyên nhân
- Thoát vị đĩa đệm: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thần kinh tọa. Khi đĩa đệm bị thoát vị, phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm trượt ra ngoài, chèn ép lên dây thần kinh tọa và gây đau.
- Hẹp ống sống: xảy ra khi không gian chứa tủy sống và các dây thần kinh hẹp lại, gây áp lực lên dây thần kinh tọa.
- Thoái hóa cột sống: do tuổi tác có thể dẫn đến hình thành gai xương hoặc làm giảm khoảng cách giữa các đốt sống, gây chèn ép lên dây thần kinh tọa.
- Chấn thương cột sống: các chấn thương nặng bởi tai nạn giao thông hoặc va đập mạnh, có thể gây tổn thương cột sống và dây thần kinh tọa.

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến gây đau thần kinh tọa
Các yếu tố nguy cơ
- Tuổi tác: người cao tuổi dễ bị thoái hóa đĩa đệm và thoái hóa cột sống, là những nguyên nhân chính gây ra đau thần kinh tọa.
- Nghề nghiệp: những người có công việc yêu cầu ngồi lâu hoặc nâng vác nặng thường có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Lối sống ít vận động: những người ít vận động hoặc có thói quen ngồi lâu có nguy cơ cao do cơ lưng và cơ bụng yếu, không đủ sức để nâng đỡ cột sống.
- Béo phì: trọng lượng cơ thể dư thừa tạo áp lực lên cột sống, làm tăng nguy cơ tổn thương đĩa đệm và dây thần kinh tọa.
- Bệnh đái tháo đường: có thể gây tổn thương các dây thần kinh trong cơ thể, bao gồm cả dây thần kinh tọa.
Điều trị đau thần kinh tọa
- Sử dụng thuốc:
- Thuốc giảm đau: các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol có thể giúp giảm triệu chứng đau nhẹ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như naproxen, etoricoxib, meloxicam, ibuprofen,… có tác dụng kháng viêm, giảm đau tốt, đặc biệt là trong các trường hợp đau do viêm dây thần kinh tọa.
- Thuốc giãn cơ như eperison, tolperison,… giúp giảm co thắt cơ và giảm đau trong các trường hợp đau do căng cơ hoặc co thắt cơ lưng.
- Thuốc giảm đau mạnh như opioids được sử dụng trong các trường hợp đau nghiêm trọng nhưng cần được kiểm soát chặt chẽ do nguy cơ gây nghiện.
- Vật lý trị liệu: các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện linh hoạt của cột sống, tăng cường sức mạnh cơ bắp và giảm áp lực lên dây thần kinh tọa. Một số liệu pháp như kéo giãn cột sống, xoa bóp, hoặc điện trị liệu cũng có thể hỗ trợ điều trị đau.
- Tiêm corticosteroid: phương pháp này chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt và cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Phẫu thuật: được chỉ định trong các trường hợp nặng, khi các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả.
Phòng ngừa đau thần kinh tọa
- Tập thể dục thường xuyên: các bài tập tăng cường sức mạnh cơ lưng, cơ bụng và cơ chân có thể giúp hỗ trợ cột sống, giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Điều chỉnh tư thế: giữ tư thế ngồi, đứng và nằm đúng cách sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống. Khi ngồi, hãy đảm bảo rằng lưng được hỗ trợ bởi ghế, và tránh cúi người hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế.
- Tránh mang vác nặng: khi nâng vật nặng, hãy sử dụng lực từ chân thay vì lưng để tránh tổn thương cột sống.
- Giảm cân: duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm áp lực lên cột sống, từ đó giảm nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm.

Giữ đúng tư thế trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
[SM/ARTI/135/1124]
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Tài liệu tham khảo
Sciatica. (n.d.). Cleveland Clinic. Retrieved December 19, 2024, https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12792-sciatica