Cơ xương khớp

GOUT LÀ GÌ? PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Admin
14/10/2024

Gout là gì? Làm cách nào để phòng tránh và điều trị căn bệnh này? Bệnh nhân cần lưu ý những điều gì khi điều trị gout? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Gout là gì?

Lắng đọng tinh thể Acid Uric là nguyên nhân dẫn đến gout

Lắng đọng tinh thể Acid Uric là nguyên nhân dẫn đến gout

Bệnh Gout là bệnh rối loạn chuyển hoá liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể Acid uric. Các tinh thể này nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần dẫn đến biến dạng, cứng khớp.

Acid uric được tạo ra trong cơ thể từ quá trình phân hủy Purin – hợp chất hóa học được tìm thấy trong một số thực phẩm như thịt đỏ (bò, cừu,…); thủy hải sản ( tôm, cua, cá rô,…); măng tây, nấm, giá,….

Thông thường Acid uric hòa tan trong máu và được bài tiết ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu nhờ thận. Nếu quá nhiều Acid uric được sản xuất, hoặc không kip bài tiết, Acid uric có thể tích tụ và hình thành tinh thể giống như hình kim sắc nhọn, gây ra sưng, viêm, đau ở các khớp và mô xung quanh, gây nên bệnh gout.

Nếu lắng đọng ở thận sẽ gây ra bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận…). Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi 40 trở lên, thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng Acid uric trong máu, tăng nguy cơ bị gout bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh gout
  • Do chế độ ăn uống nhiều purin
  • Do thói quen sinh hoạt lười vận động, uống ít nước
  • Do uống nhiều rượu bia
  • Do các thuốc bệnh nhân đang dùng: Thuốc lợi tiểu trong điều trị cao huyết áp; Thuốc điều trị Parkinson ( Levodopa), …..
  • Béo phì, suy giáp,…

Triệu chứng của gout

GOUT LÀ GÌ? PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Triệu chứng sưng viêm do gout thường xuất hiện đầu tiên ở ngón chân cái

Bệnh gout đặc trưng bởi những đợt viêm cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các giai đoạn của bệnh gout là gì?

Giai đoạn 1: Tăng acid uric máu nhưng chưa có triệu chứng lâm sàng

Trong giai đoạn này, nồng độ acid uric trong máu của người bệnh tăng cao, tuy nhiên, chưa có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng cụ thể nào xuất hiện. Điều này có nghĩa là người bệnh không cảm thấy đau hay gặp phải các vấn đề về khớp. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, acid uric sẽ dần tích tụ trong cơ thể, đặc biệt là tại các khớp và gây ra các cơn đau gout sau này.

Giai đoạn 2: Gout cấp tính

Giai đoạn này là khi các triệu chứng của bệnh gout xuất hiện đột ngột và thường xảy ra vào ban đêm. Người bệnh sẽ trải qua những cơn đau dữ dội tại các khớp bị ảnh hưởng, điển hình là ngón chân cái, kèm theo sưng, nóng, đỏ và căng cứng tại vùng khớp. Các cơn đau này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và sau đó biến mất hoàn toàn, để lại các khớp trở về bình thường.

Giai đoạn 3: Gout khoảng cách giữa các cơn cấp

Sau khi cơn gout cấp tính thuyên giảm, người bệnh bước vào giai đoạn gout khoảng cách, tức là thời gian giữa các đợt gout cấp. Trong giai đoạn này, mặc dù không có triệu chứng đau nhức hay sưng viêm, nhưng acid uric vẫn tiếp tục tích tụ trong cơ thể. Nếu không được điều trị đúng cách, các cơn gout cấp sẽ tái phát và có thể nghiêm trọng hơn.

Giai đoạn 4: Gout mãn tính

Khi bệnh không được kiểm soát hiệu quả, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn gout mãn tính. Các khối tophi (tinh thể urate) bắt đầu xuất hiện xung quanh các khớp, có thể gây biến dạng khớp và hạn chế khả năng vận động. Giai đoạn này thường xảy ra sau nhiều năm mắc bệnh và đi kèm với những biến chứng nguy hiểm như tổn thương khớp vĩnh viễn, suy thận hoặc các vấn đề về tim mạch nếu không điều trị kịp thời.

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH GOUT LÀ GÌ?

Nguyên tắc điều trị gout

– Khống chế các đợt viêm khớp gout cấp;

– Làm hạ và duy trì Acid uric máu ở mức cho phép;

– Kiểm soát tốt các bệnh kèm theo.

Khống chế các đợt viêm khớp cấp

  • Thuốc Colchicin (một hoạt chất được chiết xuất từ cây tỏi độc) các triệu chứng đau sẽ kết thúc trong vòng từ 24-48 giờ và bắt buộc phải sử dụng thuốc mỗi ngày.
  • Thuốc chống viêm không steroid hay còn gọi là NSAIDs (Etoricoxib, Diclofenac) có tác dụng giảm đau và hạ sốt do biến chứng gout cấp gây ra. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sử dụng thuốc với liều lượng cao sẽ dẫn đến một số phản ứng phụ khi dùng thuốc như: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận,…
  • Thuốc kháng viêm steroid: Sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không dung nạp Colchicin hay NSAIDs. Kết quả khả quan nhưng đễ tái phát khi ngưng thuốc, lệ thuộc thuốc.

Làm hạ và duy trì hàm lượng Acid uric ở mức cho phép

  • Chống tổng hợp Acid uric (Allopurinol, Febuxostat) giúp làm hạ và duy trì Acid uric ở mức cho phép tuy nhiên cần phải đánh giá chức năng gan trong những tháng đầu điều trị. Thuốc có tác dụng phụ là gây buồn ngủ do đó cần cẩn thận khi dùng ở những người có công việc vận hành máy móc ( lái xe, công nhân nhà máy,…)
  • Tăng thải Acid uric (Probenecid) giúp đào thải Acid uric trong máu bằng đường nước tiểu do đó chỉ dùng cho bệnh nhân có chức năng thận còn tốt.

Thay đổi lối sống

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh gout:

  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc được kê toa.
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.
  • Điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gout thứ phát như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa, …
  • Tập thể dục hằng ngày
  • Duy trì cân nặng hợp lý

Duy trì chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống cho người bệnh gout (nguồn: Freepik)

Chế độ ăn uống cho người bệnh gout (nguồn: Freepik)

  • Tránh ăn nội tạng, nhất là gan, cá mòi
  • Tránh ăn hải sản và thịt đỏ
  • Ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua, …
  • Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc
  • Uống nhiều nước: uống từ 2,5–3 lít nước mỗi ngày
  • Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia rượu
  • Không uống cà phê, trà, nước uống có ga

Xem thêm: Chế độ ăn mùa Lễ – Tết cho người bị gout

Bài viết trên đây đã giải đáp bệnh gout là gì, cùng các phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh gout hiệu quả. Bệnh nhân cần được thăm khám và tư vấn bởi Dược sĩ, Bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Mục lục