Tiêu hóa

HIỂU VỀ KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG

Admin
18/12/2024

Khó tiêu chức năng là tập hợp các triệu chứng trên hệ tiêu hóa gây khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên. Tình trạng này khá phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều người trên toàn thế giới. Bài viết này nhằm giúp tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí tình trạng này.

Khó tiêu chức năng là gì?

Khó tiêu chức năng, thường được gọi là chứng khó tiêu, là một rối loạn của hệ tiêu hóa nơi dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non) không thể hoạt động bình thường. Không giống như các bệnh tiêu hóa khác (như loét dạ dày, ung thư, trào ngược,…), khó tiêu chức năng không xác định nguyên nhân thực thể. Thay vào đó, bệnh được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và sự vắng mặt của bất kỳ bệnh lý cụ thể nào.

Khó tiêu chức năng là bệnh lý phổ biến trên hệ tiêu hóa

Khó tiêu chức năng là bệnh lý phổ biến trên hệ tiêu hóa

Triệu chứng điển hình

Các triệu chứng của khó tiêu chức năng có thể thay đổi, nhưng thường bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Đau có thể từ nhẹ đến nặng và thường được mô tả kèm cảm giác nóng rát hoặc đầy bụng.
  • Đầy hơi: Cảm giác đầy hơi ở vùng bụng trên.
  • Buồn nôn: Cảm giác khó chịu có thể dẫn đến nôn mửa.
  • Ợ hơi và ợ chua: Tăng sinh khí quá mức có thể gây ợ hơi thường xuyên.
  • Cảm giác nhanh no: Cảm thấy no sau khi ăn chỉ một lượng nhỏ thức ăn.

Những triệu chứng này có thể xuất hiện va tự khỏi, và thường xảy ra hơn sau bữa ăn.

Các triệu chứng trên hệ tiêu hóa gây ảnh hưởng đến đời sống

Các triệu chứng trên hệ tiêu hóa gây ảnh hưởng đến đời sống

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của chứng khó tiêu chưa được xác định một cách cụ thể. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể góp phần vào việc phát triển tình trạng này, bao gồm:

  • Chậm làm rỗng dạ dày: Ở một số người, dạ dày mất nhiều thời gian hơn để đưa lượng thức ăn tiêu hóa vào ruột non, dẫn đến khó chịu.
  • Nhiễm trùng: Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn gây loét dạ dày, cũng được nghiên cứu chỉ ra có liên quan đến chứng khó tiêu trong một số trường hợp. 
  • Chứng tăng nhạy cảm đường tiêu hóa: Đây là tình trạng các cơ quan nội tạng, đặc biệt ở đường tiêu hóa, nhạy cảm quá mức với các vận động thông thường ở đường ruột (co bóp của dạ dày, ruột,…), gây khó chịu và đau. 
  • Yếu tố tâm lý: Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng của khó tiêu chức năng.

Cách điều trị khó tiêu chức năng

Điều trị khó tiêu chức năng có thể gặp khó khăn do không xác định được nguyên nhân cụ thể, nhưng một số chiến lược có thể giúp giảm bớt các triệu chứng:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Chia nhỏ bữa ăn, nhai kỹ, tránh ăn quá no và tránh các thực phẩm gây kích thích như thực phẩm béo, cay hoặc có tính axit có thể giúp giảm triệu chứng.
  • Thay đổi lối sống: Ngủ đủ giấc, quản lý căng thẳng, tập thể dục đều đặn giúp hỗ trợ điều hòa tiêu hóa, giảm triệu chứng khó tiêu.
  • Tránh dùng rượu bia và thuốc lá: Rượu bia, thuốc lá có thể kích thích niêm mạc dạ dày và làm nặng hơn các triệu chứng khó tiêu.
  • Thuốc: Các loại thuốc như thuốc kháng axit (nhôm phosphat, magie phosphat,..), thuốc đối kháng H2 (nizatidin, cimetidin, famotidin,…) và thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, esomeprazol, rabeprazol,…) giúp giảm axit dạ dày và giảm khó chịu. Các thuốc kích thích nhu động ruột (trimebutin), thuốc chống nôn và tăng tốc độ làm rỗng dạ dày (domperidon) cũng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng khó tiêu thường gặp.
Sử dụng thuốc có thể giúp kiểm soát chứng khó tiêu

Sử dụng thuốc có thể giúp kiểm soát chứng khó tiêu

Kết luận

Khó tiêu chức năng là một rối loạn tiêu hóa phổ biến và thường kéo dài, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị nhằm quản lý tình trạng này một cách hiệu quả. Nếu bạn nghi ngờ mình bị khó tiêu chức năng, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Bài viết được cung cấp bởi DAVIPHARM

[SM/ARTI/131/1024]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Tài liệu tham khảo

  1. Functional Dyspepsia: Symptoms, Diet, Treatment & Living With (clevelandclinic.org)
  2. BSG guidelines on the management of functional dyspepsia
Mục lục