Tim mạch - Chuyển hóa

KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP – KIỂM SOÁT CUỘC SỐNG

Admin
21/10/2024

Tăng huyết áp ảnh hưởng khoảng 1,13 tỷ người trên toàn thế giới. Kiểm soát huyết áp không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và các biến chứng khác. Dưới đây là một số hướng dẫn và lời khuyên giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.

Tăng huyết áp và mục tiêu kiểm soát huyết áp

Huyết áp lên xuống trong những điều kiện nhất định là bình thường. Ở người trưởng thành bình thường, huyết áp dao động trong khoảng <120 mmHg (huyết áp tâm thu) và < 80 mmHg (huyết áp tâm trương). Người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp khi có huyết áp >140/90 mmHg sau khi đo lặp đi lặp lại nhiều lần và đúng cách.

Mục tiêu kiểm soát huyết áp ở hầu hết bệnh nhân là <140/90 mmHg, nếu có đái tháo đường hay bệnh thận mạn thì huyết áp <130/80 mmHg.

KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP – KIỂM SOÁT CUỘC SỐNG

Kiểm soát huyết áp giúp phòng ngừa nguy cơ biến cố tim mạch (Nguồn: Freepik)

Biện pháp kiểm soát huyết áp

Thay đổi lối sống

Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng để ổn định huyết áp. Người bệnh nên giảm thiểu lượng muối tiêu thụ (nên ít hơn 1,5 g/ngày), hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Thay vào đó, nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại thực phẩm giàu kali như chuối, cam, khoai tây.

Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng, từ đó giúp giảm huyết áp. Người bệnh nên duy trì ít nhất 150 phút hoạt động thể dục nhịp điệu vừa phải mỗi tuần, như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội.

Kiểm soát cân nặng: Thừa cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ lớn gây tăng huyết áp. Trung bình mỗi một cân nặng giảm có thể giúp giảm 1 mmHg huyết áp.

Hạn chế rượu bia: Không nên uống quá 80 ml rượu mạnh, 600 ml bia hoặc 250 ml rượu vang trong 1 ngày.

Giảm stress: Các biện pháp như yoga, thiền, và các kỹ thuật thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng. Dành thời gian cho các hoạt động thư giãn, nghỉ ngơi và duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh cũng rất quan trọng.

Theo dõi huyết áp thường xuyên

Việc theo dõi huyết áp thường xuyên giúp bệnh nhân và bác sĩ nhận biết sớm những thay đổi bất thường và điều chỉnh kịp thời. Bệnh nhân nên học cách đo huyết áp tại nhà, sử dụng máy đo huyết áp điện tử, và ghi lại các kết quả để cung cấp cho bác sĩ trong các lần khám bệnh.

Dùng thuốc theo chỉ định

Sau khi đã dùng các biện pháp không dùng thuốc từ 3-6 tháng như trên mà huyết áp bạn vẫn chưa hạ về mục tiêu, thì việc phối hợp dùng thuốc để hạ huyết áp là cần thiết.

Ngày nay có rất nhiều nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, mỗi nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau và thích hợp với từng người bệnh khác nhau (tuổi, bệnh kèm theo, tăng huyết áp có tổn thương cơ quan đích…).

Bệnh nhân nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc, không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Phối hợp nhiều biện pháp để ổn định huyết áp tốt hơn (Nguồn: Freepik)

Phối hợp nhiều biện pháp để ổn định huyết áp tốt hơn (Nguồn: Freepik)

Khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát huyết áp

Thăm khám định kỳ và tư vấn chuyên gia y tế giúp bệnh nhân nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình và nhận được lời khuyên, điều chỉnh kịp thời phác đồ điều trị kiểm soát huyết áp. Điều này cũng giúp phát hiện sớm các biến chứng khác và có hướng xử trí phù hợp.

Kết luận

Kiểm soát huyết áp là một chiến lược lâu dài đòi hỏi sự phối hợp giữa bệnh nhân và các chuyên gia y tế. Thực hiện lối sống lành mạnh, theo dõi huyết áp thường xuyên, tuân thủ điều trị là những biện pháp hữu ích giúp bệnh nhân tăng huyết áp sống khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Tài liệu tham khảo

Tăng huyết áp – Nhận biết, điều trị và phòng ngừa – Chương trình mục tiêu quốc gia – Cổng thông tin Bộ Y tế (moh.gov.vn)

Mục lục