PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý thường gặp do quá trình lão hóa tự nhiên làm xương mềm xốp và trở nên dễ gãy. Do đó việc dự phòng và điều trị loãng xương hiệu quả góp phần hạn chế bệnh tật, giảm thiếu chi phí và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh cao tuổi.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Tuổi tác và sự suy giảm hormon estrogen
- Một trong những nguyên nhân chính gây loãng xương ở người cao tuổi là sự suy giảm hormon, đặc biệt là estrogen ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Sự suy giảm này khiến cơ thể bắt đầu mất đi khả năng sản xuất và duy trì mô xương, làm xương trở nên yếu và dễ gãy.
- Tuổi cao cũng khiến quá trình tái tạo xương và chất lượng mô xương giảm dần.
Thiếu canxi và vitamin D
Canxi và vitamin D có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ xương chắc khỏe. Người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc hấp thụ canxi từ thức ăn và sự thiếu hụt vitamin D do ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Sự thiếu hụt các chất này làm tăng nguy cơ bị loãng xương.
Yếu tố di truyền
Nếu gia đình có tiền sử loãng xương thì người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Thể dục thể thao
Tập thể dục thường xuyên giúp kích thích sản xuất và tăng cường sức mạnh của mô xương. Lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân gây loãng xương ở người cao tuổi.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc dùng trong thời gian dài như corticosteroids có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Loãng xương ở người cao tuổi – Nguồn: Internet
Các triệu chứng loãng xương ở người cao tuổi
- Đau xương và cơ, đặc biệt là ở vùng cổ, lưng và hông. Cơn đau có thể gia tăng khi thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc khuân vác đồ nặng
- Giảm chiều cao: mất khả năng duy trì chiều cao, xương cột sống bị co lại hoặc gãy, làm giảm chiều cao của người cao tuổi
- Dễ gãy xương: người cao tuổi bị loãng xương dễ gặp chấn thương gãy xương từ những va chạm nhẹ, các khu vực có nguy cơ bị gãy xương cao như cổ đùi, cột sống và cổ tay.
- Vận động kém: loãng xương có thể làm giảm sự linh hoạt của xương, dễ bị té ngã dẫn tới gãy xương

Triệu chứng loãng xương ở người cao tuổi – Nguồn: Freepik
Bệnh loãng xương ở người cao tuổi có nguy hiểm không?
Người cao tuổi bị loãng xương có thể gây ra hàng loạt biến chứng, từ ảnh hưởng nhẹ đến sinh hoạt hàng ngày cho đến tàn phế và thậm chí là tử vong. Một số biến chứng thường gặp, bao gồm:
- Đau nhức ở lưng, đốt sống thắt lưng, chân tay, các khớp,… cơn đau thường dữ dội nhất vào ban đêm
- Mất ngủ do những cơn đau dai dẳng có thể làm người cao tuổi càng thêm mệt mỏi, dễ dẫn đến trầm cảm
- Loãng xương có thể dẫn đến hiện tượng biến dạng, gù vẹo cột sống
- Tàn phế: người cao tuổi có thể bị gãy xương vì những va chạm rất nhẹ hoặc thậm chí là không có nguyên do, dẫn đến suy giảm nghiêm trọng khả năng vận động và thậm chí là tàn phế
- Gia tăng nguy cơ tử vong

Loãng xương gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người cao tuổi – Nguồn: Freepik
Điều trị loãng xương ở người cao tuổi
Thuốc giảm đau
- Thuốc giảm đau chỉ dùng khi cần thiết.
- Nên hạn chế dùng các thuốc kháng viêm chứa corticosteroids.
Thuốc ức chế quá trình hủy xương
- Nhóm thuốc biphosphonate: risedronat, alendronat, ibandronat, acid zoledronic,…
- Ở người cao tuổi việc làm tăng mật độ xương khó khăn hơn, vì vậy điều trị phải kéo dài liên tục trong nhiều năm
- Trước khi điều trị bằng thuốc ức chế hủy xương cần phải cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D cho cơ thể
Hormon và liệu pháp liên quan đến hormon
Các liệu pháp hormon như estrogen và thuốc điều chỉnh hormon tuyến cận giáp (PTH) có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi.
Liệu pháp hormon thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có loãng xương nghiêm trọng hoặc đã mãn kinh, nhưng cần được theo dõi cẩn thận để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc sinh học
Thuốc sinh học như denosumab là một lựa chọn điều trị cho bệnh nhân loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương. Denosumab hoạt động bằng cách ức chế quá trình hủy xương, giúp duy trì mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Thuốc này thường được tiêm dưới da và có hiệu quả lâu dài.
Thuốc tăng tạo xương
Những thuốc như teriparatide giúp kích thích quá trình tạo xương, làm tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Teriparatide thường được dùng trong các trường hợp loãng xương nghiêm trọng, đặc biệt là những người có tiền sử gãy xương nhiều lần.
Liệu pháp này có thể mang lại hiệu quả cao, nhưng cần được giám sát y tế chặt chẽ.
Phương pháp phòng ngừa bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D và canxi như sữa, chế phẩm từ sữa, cá hồi,…
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ các khoáng chất như phospho, magie, vitamin K2 cũng rất cần thiết cho quá trình xây dựng và duy trì cấu trúc xương
Tập thể dục đều đặn giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương
Vận động vừa sức như đi bộ, tập aerobic nhẹ nhàng,… có thể kích thích tái tạo mô xương. Đây cũng là cách giúp tăng sức mạnh cơ bắp và duy trì sự linh hoạt của xương để phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi.
Ngừng hút thuốc và đồ uống chứa cồn
Hút thuốc và sử dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Hãy từ bỏ những thói quen này để bảo vệ sức khỏe xương khớp ở người cao tuổi.
Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn và mang lại hiệu quả tốt nhất
- Định kỳ kiểm tra mật độ xương để đánh giá mức độ loãng xương và quyết định liệu pháp điều trị phù hợp
- Khám sức khỏe định kỳ hoặc tham gia các chương trình tầm soát sức khỏe để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh loãng xương.

Tham gia tầm soát sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị loãng xương
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
SM/ARTI/121/0624
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.