SỬ DỤNG ĐÚNG CÁCH ĐỂ HẠN CHẾ TÁC DỤNG PHỤ CỦA CORTICOID
Corticoid được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng với nhiều lợi ích trong điều trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của corticoid cũng là một vấn đề đáng lo ngại cho bệnh nhân khi sử dụng. Dưới đây là những lưu ý để sử dụng corticoid một cách an toàn và hiệu quả hơn.
Corticoid là gì?
Corticoid hay còn gọi là corticosteroid, glucocorticosteroid có nguồn gốc tự nhiên (cortisol) là hormon do vỏ thượng thận tiết ra hoặc tổng hợp (prednisolon, methylprednisolon, dexamethason…) có vai trò quan trọng trong chuyển hóa muối, đường, mỡ, chất đạm, duy trì các chức năng sống của cơ thể, bao gồm tình trạng stress.

Corticoid được chỉ định trong nhiều bệnh lý (Nguồn: Freepik)
Corticoid có tính chất kháng viêm, kháng dị ứng và ức chế miễn dịch, giúp làm giảm sưng, ngứa, mẩn đỏ và các phản ứng dị ứng, thuốc được bác sĩ kê đơn để điều trị các bệnh như: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, cơn gout cấp, viêm khớp, lupus, eczema, vảy nến, dị ứng, kích ứng do côn trùng đốt… Corticoid còn được kê đơn nhằm hỗ trợ quá trình hồi phục sau khi cấy ghép nội tạng.
Tác dụng phụ của corticoid
Với những lợi ích rõ rệt, corticoid được sử dụng rất rộng rãi trên lâm sàng, nhưng việc sử dụng corticoid được ví như con dao hai lưỡi bởi những tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt khi dùng liều cao, dùng kéo dài hoặc ngừng điều trị đột ngột. Các corticoid dùng tại chỗ cũng có thể cho tác dụng toàn thân do thấm qua da, vào máu.
Một số tác dụng phụ của corticoid thường thấy:
- Chậm phát triển ở trẻ em
- Gây loãng xương
- Rối loạn điện giải
- Nhiễm kiềm
- Hạ kali huyết, tăng giữ natri gây phù
- Tăng huyết áp
- Loét dạ dày tá tràng
- Hội chứng Cushing do thuốc (khi sử dụng corticoid kéo dài gây tăng chuyển hóa mỡ, rối loạn phân bố mỡ, dẫn đến các biểu hiện điển hình như mập thân trên, mặt tròn như mặt trăng, gáy trâu, teo chi dưới)
- Suy vỏ thượng thận khi dừng thuốc đột ngột
- Các tai biến khi sử dụng tại chỗ (bôi trên da có thể gây teo da, mỏng da, rạn da, da ửng đỏ, mất sắc tố da từng phần, chậm liền sẹo).

Khi dùng liều cao và kéo dài, tác dụng phục của corticoid có thể rất nghiêm trọng
Cách sử dụng an toàn để hạn chế tác dụng phụ của corticoid
Corticoid là một loại thuốc có tác động mạnh đến cơ thể nếu như dùng sai cách, vì vậy việc sử dụng thuốc cần được thực hiện cẩn thận theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn sử dụng corticoid một cách an toàn và hiệu quả nhất:
- Tuân theo chỉ định của bác sĩ: Luôn luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Không tăng hoặc giảm liều lượng corticoid mà không được sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
- Với thuốc corticoid đường uống như prednisolon, methylprednisolon, prednison, dexamethason…: nên dùng thuốc sau bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa (kích ứng dạ dày).
- Với corticoid dạng xịt/ hít: Nên súc miệng bằng nước, không nuốt sau mỗi lần dùng thuốc corticoid dạng hít để tránh tác dụng phụ đau họng, nấm miệng.
- Với thuốc corticoid bôi da: nên bôi một lớp mỏng trên vùng da bệnh, không bôi thuốc trên vùng da bị trầy xước.
- Không sử dụng lâu dài: Corticoid nên được sử dụng trong thời gian ngắn và theo đúng chỉ định. Sử dụng lâu dài và không kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Không ngưng sử dụng đột ngột: Không ngưng sử dụng corticoid đột ngột mà chưa được hướng dẫn bởi bác sĩ. Ngưng sử dụng đột ngột có thể gây ra tình trạng phản tác dụng và gây ra tác động tiêu cực khác.
- Kiểm tra tương tác thuốc: Trước khi sử dụng corticoid, hãy báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc và thảo dược khác mà bạn đang sử dụng để đảm bảo không xảy ra tình trạng phản ứng thuốc.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe với bác sĩ để đảm bảo corticoid đang được sử dụng một cách an toàn và hiệu quả.

Dùng corticoid đường uống là một trong những cách hiệu quả để hạn chế tác dụng phụ
Điều trị bổ sung để hạn chế tác dụng phụ của corticoid
Khi sử dụng corticoid liều cao, kéo dài, cần phải theo dõi nghiêm ngặt và có phương pháp điều trị bổ sung để hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra:
- Kali: 1-2 gam kali chlorua mỗi ngày.
- Vitamin D: 800 UI kết hợp 1000 mg calci mỗi ngày.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Nhóm ức chế bơm proton uống trước khi đi ngủ như omeprazol (Nixki-20, Losec, Omag…), rabeprazol (Martaz, Pariet, Souzal…), esomeprazol (Jiracek-20, Nexium, Capesto…)
- Benzodiazepin trong trường hợp mất ngủ.
- Thuốc chống hủy xương Bisphosphonat: alendronat 70mg/tuần (Risenate, Messi-70, Fosamax…); risedronat 35mg/tuần (Cruzz-35, Actonel, Dronagi…); ibandronat 150mg/tháng. Chỉ định khi sử dụng glucocorticoid kéo dài trên 1 tháng (bất kể liều nào).
Hãy trao đổi với bác sĩ về ưu và nhược điểm của thuốc corticoid, các tình trạng hoặc bệnh khác mà bạn mắc phải để việc điều trị đạt được hiệu quả, an toàn và hạn chế các tác dụng phụ.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Nguồn tham khảo
Sức khỏe & Đời sống