Cơ xương khớp

THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ – CĂN BỆNH NGÀY CÀNG TRẺ HÓA

Admin
14/10/2024

Thoái hóa cột sống cổ – căn bệnh tưởng chừng như chỉ gặp ở những người lớn tuổi, hiện nay đã và đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Lý do là gì và cách phòng ngừa như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay!

Thoái hóa cột sống cổ và tình trạng đáng báo động

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý xương khớp phổ biến, không thể tránh khỏi khi tuổi tác càng tăng. Có đến 2/3 dân số sẽ bị đau cổ ít nhất một lần trong cuộc đời.

Đáng báo động hiện nay, bệnh đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ trong độ tuổi từ 25-30. Nếu như trước đây người ta cho rằng bệnh chỉ chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi thì ngày nay với sự phát triển của xã hội hiện đại, thói quen sinh hoạt và làm việc trong văn phòng, lười vận động khiến không ít người trẻ đang phải đối mặt với thoái hóa cột sống cổ. 

Nếu không điều trị, người bệnh sẽ thường xuyên bị các cơn đau hành hạ, khó khăn trong các cử động cổ, lâu dần có thể dẫn đến bại liệt.

Xem thêm: Vì sao gout ngày càng nhiều người trẻ bị gout?

Thoái hóa cốt sống

Thoái hóa cốt sống

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến thoái hóa cột sống cổ

Thường xuyên hoạt động sai tư thế

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra thoái hóa cột sống cổ ở nhiều đối tượng khác nhau là do thường xuyên hoạt động sai tư thế.

Cụ thể, các tư thế sai của người bệnh có thể là: duy trì một tư thế làm việc quá lâu, ít vận động, đi lại.

Bên cạnh đó, do tính chất công việc phải cúi đầu hoặc thực hiện ngửa cổ quá nhiều hoặc thường xuyên mang vác vật nặng trên đầu, trên vùng lưng – cổ, ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, ngồi vặn vẹo, ngủ gục trên bàn, … cũng gây ra ảnh hưởng đến vùng cột sống cổ từ đó gây ra hiện tượng thoái hóa.

Tuổi tác

Đây là nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ không ai có thể tránh khỏi, có điều nó xảy ra nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào chế độ sinh hoạt và chăm sóc bản thân của người bệnh. 

Chế độ dinh dưỡng không khoa học

Ăn uống thiếu chất, thiếu canxi, kali, sắt, vitamin, … trong thực đơn hàng ngày hoặc thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ ngọt, đồ uống có gas làm cột sống người bệnh dễ dàng bị thiếu dưỡng chất. Khi thiếu dưỡng chất, tình trạng thoái hóa xương khớp sẽ xảy ra.

Đĩa đệm và cột sống thay đổi

Việc thay đổi cấu trúc đĩa đệm và cột sống làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống cổ. Một số tình trạng thay đổi cấu trúc mà người bệnh phải đối mặt là mất nước đĩa đệm (thường xảy ra ở người 40 tuổi trở lên), tăng sinh xương tạo thành gai xương, dây chằng xơ hóa hoặc thoát vị đĩa đệm, …

Chấn thương

Những người có tiền sử chấn thương tại vùng cổ do các nguyên nhân như lao động, tai nạn giao thông, chơi thể dục thể thao, sinh hoạt thường ngày đều có nguy cơ dẫn đến thoái hóa.

THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ – CĂN BỆNH NGÀY CÀNG TRẺ HÓA

Ít vận động là yếu tố nguy cơ khiến cột sống cổ dễ thoái hóa

Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống cổ

Giai đoạn đầu: người bệnh cảm thấy cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống và bắt đầu khó xoay chuyển, sau một thời gian thấy đau nhức vùng cổ, đau nhức lan dần ra vai, gáy, tai, đầu. 

Giai đoạn tiếp theo, người bệnh xuất hiện đau đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Các triệu chứng đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón tay.

Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như rối loạn tiền đình do thoái hóa cột sống cổ làm tổn thương vào lỗ tiếp hợp (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm), làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn.

Biến chứng đáng ngại nhất của thoái hóa cột sống cổ là chèn ép tủy sống, gây bại liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật, chèn ép rễ thần kinh, tủy hoặc gây rối loạn thần kinh thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ). 

Người mắc thoái hóa cột sống cổ cần làm gì?

Tập luyện

Các bài tập cho thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ bao gồm: tăng cường tập luyện, bài tập kéo giãn và bài tập cường độ thấp (bơi lội, đi bộ, …)

Chườm nóng/lạnh

Có thể thử chườm một túi đá hoặc miếng nhiệt vào cổ. Đá làm giảm kích thước của mạch máu, giảm viêm. Nhiệt lại có thể làm tăng kích thước của mạch máu, thúc đẩy lưu lượng máu đến vùng bị ảnh hưởng, cho phép đĩa đệm tự lành. Tuy nhiên, không chườm qua đêm và không đặt băng trực tiếp trên da, hãy dùng một chiếc khăn để không cho đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da.

Dùng thuốc điều trị theo tư vấn của chuyên gia y tế

Dựa vào triệu chứng lâm sàng và mức độ tổn thương bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một trong những thuốc sau:

  • Paracetamol: có thể đơn chất hoặc phối hợp với các chất giảm đau trung ương như codein, dextropropoxiphene, ….
  • Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid liều thấp: các dạng kinh điển (diclofenac, ibuprofen, naproxen…) hoặc các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (celecoxib, etoricoxib, meloxicam, piroxicam..), tuy nhiên cần thận trọng ở bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý ống tiêu hóa, tim mạch hoặc thận mạn tính. Có thể dùng đường uống hoặc bôi ngoài da.
  • Các thuốc giãn cơ (eperison, baclofen, thiocolchicoside, …)
  • Nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm (glucosamin + chondroitin, diacerein, ….)
  • Các thuốc giảm đau thần kinh (pregabalin, gabapentin).

Người bệnh cần tuân thủ việc điều trị và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ để đạt hiệu quả điều trị và tránh những tác dụng phụ của thuốc.

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây chèn ép tủy sống gây bại liệt

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây chèn ép tủy sống gây bại liệt

Những điều cần lưu ý

Khi nhận thấy các dấu hiệu thoái hóa cột sống cổ không rõ nguyên nhân và kéo dài, người bệnh nên đi khám ngay để được kiểm tra, chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp. Đối với các trường hợp đau trầm trọng lan rộng đến cánh tay, đau đầu, chóng mặt, người bệnh cần ngay lập tức đi khám vì đây là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nghiêm trọng của bệnh.

Cách phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ hiệu quả: phát hiện và điều trị sớm các dị tật cột sống cổ, phân bố thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh ngồi quá lâu hay thường xuyên cúi người; dành 30 phút mỗi ngày tập thể dục vừa sức; kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân, tránh các động tác mạnh, đột ngột tại cột sống cổ, …

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Nguồn tham khảo

1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Cơ xương khớp. NXBY học 2016.
2. Báo Sức khỏe & Đời sống
3. Sở Y Tế Bắc Giang

Mục lục