Cơ xương khớp

THOÁI HÓA KHỚP GỐI: NHẬN BIẾT VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Admin
14/10/2024

Thoái hóa khớp gối (thoái hóa sụn khớp gối) là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất. Khi lớp đệm tự nhiên (sụn) giữa các khớp bị mài mòn, dẫn đến xương các khớp cọ xát gây sưng, đau, và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, vận động.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý thoái hóa khớp phổ biến nhất và ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động, lao động, sinh hoạt. Đây là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và sự phá huỷ của sụn và xương dưới sụn. 

Thoái hóa khớp gối có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và biểu hiện cuối cùng là các thay đổi hình thái, sinh hoá gây nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá, xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn. 

Phân loại:

– Thoái hóa khớp nguyên phát: thường thấy ở những người trên 60 tuổi, tiến triển chậm và gặp ở một hay nhiều khớp. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do di truyền, nội tiết, bệnh lý đái tháo đường hoặc phụ nữ mãn kinh.

– Thoái hóa khớp thứ phát: xuất hiện sau chấn thương làm trục khớp thay đổi, các dị dạng bẩm sinh như khớp gối quay ra ngoài hoặc vào trong, khớp gối quá duỗi. Hoặc đến từ các nguyên nhân khác như tiền sử phẫu thuật hay bệnh xương, rối loạn chảy máu, bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá.

Ở Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm 10,41% các bệnh về xương khớp và có sự liên quan giữa thoái hóa khớp và tuổi tác. Ở độ tuổi từ 45 – 64, tỉ lệ thoái hóa khớp gối chiếm từ 25 – 30%, và trên 65 tuổi, tỉ lệ này dao động từ 60 – 90%.

Xem thêm: Thoái hóa cột sống cổ đang ngày càng trẻ hóa

THOÁI HÓA KHỚP GỐI: NHẬN BIẾT VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Thoái hóa khớp gối là sự mất cân bằng giữa tổng hợp và phá hủy sụn, xương dưới sụn

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối

Cân nặng

Trung bình, khi cân nặng tăng 0,45kg sẽ làm tăng 1,35 – 1,8kg trọng lượng lên đầu gối. Tình trạng thừa cân, béo phì tạo nên áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là đầu gối, bộ phận thường xuyên phải di chuyển.

Di truyền

Các đột biến di truyền có thể khiến những người dù còn trẻ tuổi vẫn bị viêm khớp đầu gối. Với những bất thường của xương bao quanh khớp gối làm sụn khớp dễ bị bào mòn dẫn đến thoái hóa.

Giới tính

Theo thống kê, nữ giới từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới.

Chấn thương vùng gối lặp đi lặp lại

Các động tác tạo áp lực lên cho khớp gối như ngồi xổm, quỳ, mang vác hàng hóa, vật nặng trên 25kg,… lặp lại thường xuyên làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn.

Vận động viên thể thao

Các môn thể thao vận động khớp gối nhiều như bóng đá, điền kinh, tennis,… thường có nguy cơ cao gây suy yếu khớp gối. Đặc biệt trong trường hợp vận động viên gặp chấn thương trong lúc tập luyện, thi đấu.

Một số bệnh cơ xương khớp khác

Một số bệnh lý có thể dẫn đến thoái hóa khớp như viêm khớp dạng thấp, tiền sử rối loạn chuyển hóa (dư thừa hormone tăng trưởng, thừa sắt),… 

Xem thêm: Nhận biết và điều trị viêm khớp dạng thấp

Chấn thương lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối

Chấn thương lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối

Các giai đoạn tiến triển và cách điều trị thoái hóa khớp gối

Nguyên tắc điều trị 

− Giảm đau trong các đợt tiến triển. 

− Phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.

− Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi. 

− Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Giai đoạn 1: Thoái hóa khớp gối chưa có biểu hiện rõ ràng

Bệnh nhân đi lại, hoạt động bình thường, khi hoạt động quá nhiều tại vùng khớp như đứng lên ngồi xuống liên tục, ngồi xổm, lên xuống cầu thang, bệnh nhân có thể cảm thấy đau khớp gối. Không xuất hiện sưng nóng, đỏ, đau hoặc bất kỳ biến dạng đáng chú ý nào.

Bệnh nhân được điều trị triệu chứng khi được chẩn đoán có nguy cơ thoái hóa khớp gối bằng các hoạt chất bổ khớp như glucosamin (Cisse), chondroitin,… Kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên.

Giai đoạn 2: Biểu hiện nhẹ

Trong giai đoạn nhẹ, bao hoạt dịch vẫn còn để nuôi lớp sụn (lớp sụn lúc này chưa bị tổn thương nhiều), và bôi trơn cho ổ khớp. Vì vậy khớp gối vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể hình thành gai xương nhỏ trong giai đoạn này. Vào mùa lạnh hoặc khi ít vận động có thể gây cứng khớp.

Để điều trị cho giai đoạn này, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng các chế phẩm đường uống hoặc các sản phẩm tiêm nội khớp như Hyalgan, huyết tương giàu điều cầu. Và kết hợp luyện tập thể thao như Yoga, bơi lội,… Đồng thời kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân quá nhiều cũng như thận trọng trong mang vác, di chuyển nhiều, làm gối hoạt động nhiều.

Giai đoạn 3: Sụn khớp tổn thương rõ nét hơn, khe khớp hẹp và bộc lộ xương.

Đây là giai đoạn lớp sụn khớp bị tổn thương rõ nét hơn, xuất hiện gai xương làm khớp bị biến dạng và ảnh hưởng nhiều đến vận động khớp.

Các triệu chứng điển hình bao gồm: đau khớp gối khi di chuyển, cứng khớp vào buổi sáng, viêm khớp gối gây sưng, nóng, đỏ, đau, hoặc một số trường hợp bị vẹo khớp gối.

Phương pháp điều trị cho giai đoạn này là điều trị nội khoa, kết hợp thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs), hoặc các chế phẩm tiêm nội khớp (Hyalgan, huyết tương giàu tiểu cầu …). Bệnh nhân cũng có thể phải điều trị bằng phẫu thuật như nội soi khớp cắt lọc, đục xương chỉnh trục…

Giai đoạn 4: Triệu chứng nặng hơn, 60% sụn khớp biến mất, các đầu xương tiếp xúc với nhau

Lớp sụn bị bào mòn gần như hoàn toàn, tổn thương bao hoạt dịch nên không thể bôi trơn ổ khớp, khi di chuyển, bệnh nhân có thể nghe thấy tiếng lạo xạo, lục cục vì các đầu xương chạm vào nhau.

Biểu hiện trong giai đoạn này rất trầm trọng khi đau nhức xảy ra thường xuyên, liên tục, gây cứng khớp vào buổi sáng, biến dạng khớp gối.

Các phương pháp điều trị tích cực như kết hợp vật lý trị liệu giúp hạn chế sự biến dạng khớp và phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa cần chỉ định tiến hành điều trị ngoại khoa như nội soi khớp, đục xương chỉnh trục khớp hoặc phẫu thuật thay khớp.

Thoái hóa khớp tiến triển qua 4 giai đoạn và cần kết hợp vật lí trị liệu để hạn chế biến dạng khớp

Thoái hóa khớp tiến triển qua 4 giai đoạn và cần kết hợp vật lí trị liệu để hạn chế biến dạng khớp

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Chẩn đoán xác định

Dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp học Mỹ-ACR (American College of Rheumatology), 1991, thoái hóa khớp gối khi có các yếu tố sau:

  1. Gai xương ở rìa khớp (dựa trên kết quả chụp X-Quang).
  2. Dịch khớp là dịch thoái hoá.
  3. Bệnh nhân có độ tuổi trên 38.
  4. Tình trạng cứng khớp dưới 30 phút.
  5. Lục khục khi cử động khớp.

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5. Ngoài ra, có thể kèm theo một số dấu hiệu như: tràn màng dịch, khớp gối biến dạng.

Chẩn đoán hình ảnh

Bao gồm các chẩn đoán như: chụp X-Quang, chụp CT, chụp MRI để xác định giai đoạn bệnh tiến triển, từ đó, có chỉ định điều trị phù hợp.

Nếu có xuất hiện sưng khớp, bác sĩ sẽ siêu âm khớp hoặc chọc hút thăm dò thoái hóa khớp gối. Một số triệu chứng thấy được qua các hình ảnh siêu âm khớp gối đó là:

  • Tràn dịch khớp;
  • Gai xương;
  • Hẹp khe khớp;
  • Độ dày của sụn khớp;
  • Những mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp;
  • Màng hoạt dịch khớp đang ở tình trạng ra sao.

Ngoài ra, có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như: Xét nghiệm máu, sinh hóa và xét nghiệm dịch khớp.

Biến chứng thoái hóa khớp gối

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, thoái hóa là nguyên nhân chính dẫn đến khuyết tật ở người lớn, bị hạn chế vận động (khoảng 80%), không thể thực hiện các hoạt động thông thường trong cuộc sống (khoảng 25%), nếu cơn đau ở khớp quá khó chịu, có thể cần đến phẫu thuật thay khớp.

Các biến chứng thoái hóa khớp khác bao gồm: 

  • Hoại tử
  • Đứt dây chằng và suy giảm gân quanh khớp
  • Cảm giác dây thần kinh bị chèn ép.
  • Chảy máu trong khớp hoặc nhiễm trùng khớp
  • Hình thành tinh thể canxi trong sụn dẫn đến vôi hóa khớp gối. Khi các tinh thể canxi chuyển động, gây ra các cơn đau cấp tính.
  • Hình thành u nang Baker (u nang bao hoạt dịch vùng khoeo), những u này thường không gây đau trừ khi bạn tập thể dục.

Bên cạnh đó, thoái hóa khớp có thể gây ra nhiều biến chứng khác như: rối loạn giấc ngủ, giảm năng suất làm việc, tăng cân, gout, lo âu và trầm cảm

Thoái hóa khớp không chỉ gây ảnh hưởng lên chức năng vận động mà còn gây biến chứng trên tinh thần và toàn cơ thể

Thoái hóa khớp không chỉ gây ảnh hưởng lên chức năng vận động mà còn gây biến chứng trên tinh thần và toàn cơ thể

Biện pháp phòng ngừa

Thay đổi lối sống

Cần chú ý hơn trong vận động hàng ngày là cách phòng ngừa thoái hóa khớp gối tốt nhất, cụ thể:

  • Duy trì thói quen tập thể dục, chơi các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe đều đặn và tránh những động tác quá mạnh, đột ngột tạo áp lực lên khớp gối.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích.
  • Kiểm soát cân nặng và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Ăn uống

Chế độ dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng thoái hóa khớp gối và tăng cường độ linh hoạt của khớp

– Những thực phẩm nên lựa chọn: 

    • Giàu acid béo omega-3: cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích,… giúp giảm tình trạng viêm khớp, giảm sưng, đau nhức khớp gối.
    • Đạm trắng trừ các loại thịt heo, thịt gia cầm được nuôi hữu cơ. 
    • Bổ sung các loại ngũ cốc, đậu nành, rau xanh. 
    • Các loại rau củ quả giàu chất chống oxy hóa và các vitamin C, E, A:  đu đủ, dứa, chanh, cam,.. giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa thoái hóa từ c
    • Nhóm thực phẩm kháng viêm từ ớt chuông, rau họ cải (cải bắp, cải ngựa, cải mầm Brussels…), quả bơ, dưa hấu, nho, ô liu,… 
    • Bổ sung canxi từ các loại sữa ít béo, ít ngọt; nước dùng từ các loại xương hầm; một số loại rau củ có màu cam như bí ngô, cà rốt,… giúp hệ xương khớp chắc khỏe

– Những thực phẩm nên kiêng: 

    • Các loại thịt đỏ từ bò, cừu, thịt lợn, dê. 
    • Đồ ăn nhiều dầu, được chế biến chiên rán, nướng,.. vì làm gia tăng tình trạng viêm khớp. 
    • Đồ ăn mặn, đồ ngọt, rượu bia

Bệnh nhân thoái hóa khớp gối cần được thăm khám và chẩn đoán thường xuyên để theo dõi diễn tiến bệnh. Đồng thời, tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc của Bác sĩ, Dược sĩ và kết hợp thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe của sụn khớp.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Mục lục