THUỐC HẠ ACID URIC MÁU – DỰ PHÒNG CƠN GOUT CẤP
Bệnh gout là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp gout cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối natri urat trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Các loại thuốc hạ acid uric máu bao gồm ức chế sản sinh acid uric hoặc tăng đào thải acid uric để hạn chế bệnh tiến triển.
Nguyên nhân xuất hiện gout cấp
Điều kiện thuận lợi hình thành cơn gout cấp nhiều khi không rõ nhưng có thể xảy ra sau bữa ăn có nhiều thịt (nhất là các loại thịt có nhiều purin), rượu, sau xúc cảm mạnh, sau chấn thương kể cả vi chấn thương (đi giày chật), sau nhiễm khuẩn, dùng các thuốc lợi tiểu như thiazid…
Bệnh gout là bệnh thường gặp, đặc biệt là các nước phát triển và đang có xu hướng tăng dần ở mọi quốc gia. Bệnh chiếm khoảng 0.2% dân số, với 95% là nam giới, tuổi trung niên.

Cơn gout cấp thường xuất hiện sau các bữa ăn giàu purin
Diễn tiến bệnh gout
Bệnh gout được phân loại theo giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể:
Tăng acid uric máu không triệu chứng (Asymptomatic Hyperuricemia)
Một người có thể bị tăng nồng độ acid uric mà không có bất kỳ triệu chứng bên ngoài nào. Ở giai đoạn này, người bệnh chưa cần điều trị, mặc dù các tinh thể urat có thể lắng đọng trong mô và gây ra tổn thương nhẹ.
Nếu kết quả xét nghiệm máu có tăng acid uric nhưng không có biểu hiện của bệnh trên lâm sàng, bệnh nhân nên đến chuyên khoa cơ xương khớp để được tư vấn thích hợp.
Bệnh gout cấp tính
Các tinh thể urat lắng đọng có cấu trúc nhỏ, cứng, sắc nhọn khi cọ xát vào lớp niêm mạc mềm của khớp, được gọi là bao hoạt dịch, gây sưng đau và viêm rất nhiều. Khi điều này xảy ra tạo thành các đợt gút cấp.
Các đợt cấp này có thể được “kích hoạt” sau khi người bệnh gặp căng thẳng, vừa trải qua một bữa tiệc rượu, sau bữa ăn thịnh soạn hay sử dụng ma túy, nhiễm lạnh… cũng có thể khiến bệnh bùng phát.
Gout mạn tính giai đoạn tạm ổn định giữa các đợt cấp
Đây là giai đoạn giữa của các đợt cấp, khoảng tái phát các đợt cấp thường không xác định, có thể vài tháng, hoặc vài năm, điều này tùy thuộc vào quá trình điều trị cũng như việc cân bằng lối sống của bệnh nhân.
Theo thống kê, có khoảng 62% trường hợp bị tái phát trong năm đầu tiên, 16% trong 1-2 năm, 11% trong 2-5 năm, và 7% không tái phát trong 10 năm trở lên. Thời gian này, các tinh thể urat vẫn tiếp tục lắng đọng và tích tụ trong các mô cơ thể.
Gout mạn tính có biến chứng
Đây là bệnh gây nhiều phiền toái và suy nhược cho người bệnh nhất. Ở giai đoạn mạn tính bệnh nhân xuất hiện những hạt tophi lớn xung quanh các khớp, thậm chí ở trong các mô cơ, trong thận gây tổn thương nghiêm trọng ở khớp và thận.

Bệnh gout mạn tính với sự hình thành các hạt tophi tại các khớp bị tổn thương (Nguồn: Internet)
Dự phòng cơn gout cấp bằng thuốc hạ acid uric máu
Đối với đợt gout cấp tính, các loại thuốc chỉ có tác dụng giảm đau và viêm khớp, bao gồm colchicin, nhóm thuốc kháng viêm không steroid (etoricoxib, celecoxib…), corticosteroid (metylprednisolon, prednisolon…). Những loại thuốc này không ảnh hưởng đến mức acid uric trong cơ thể.
Sau khi đợt gout thuyên giảm, nhiều người sẽ cần phải điều trị liên tục để duy trì nồng độ acid uric ở mức bình thường nhằm ngăn ngừa các đợt tái phát tiếp theo cũng như giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh. Việc dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng lắng đọng tinh thể urat trong các tổ chức và dự phòng các biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu.
Nhóm thuốc hạ acid uric máu bao gồm:
Thuốc ức chế tổng hợp acid uric
Các loại thuốc được gọi là chất ức chế sản sinh acid uric trong cơ thể giúp hạn chế bệnh tiến triển. Các thuốc trong nhóm này bao gồm Allopurinol, Febuxostat.
- Allopurinol: có thể xem là thuốc kê đơn có tác dụng giảm nồng độ acid uric phổ biến nhất, hoạt động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp của hợp chất này trong cơ thể. Thuốc dễ dung nạp, tiết kiệm về mặt chi phí, là lựa chọn đầu tay trong các thuốc hạ acid uric máu. Nên bắt đầu dùng thuốc với liều thấp tăng dần cho đến khi đạt được nồng độ acid uric máu theo mục tiêu điều trị.
- Febuxostat: được Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt sử dụng vào năm 2009, febuxostat cũng là một loại thuốc ức chế tổng hợp acid uric trong cơ thể mới bên cạnh allopurinol. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế enzyme xúc tác trong quá trình phân giải purine thành acid uric. Thuốc dùng được trên bệnh nhân suy thận, với mức lọc cầu thận trên 30 ml/phút không cần phải chỉnh liều. Febuxostat thường được chỉ định khi bệnh nhân không dung nạp hoặc dị ứng với allopurinol.
Thuốc tăng đào thải acid uric
Probenecid, benzbromaron… giúp cải thiện khả năng đào thải acid uric qua đường niệu. Vì có nhiều tác dụng phụ nên thuốc này hiện nay không được sử dụng rộng rãi trên thị trường Việt Nam. Việc lựa chọn allopurinol hoặc febuxostat thay vì probenecid được khuyến cáo đặc biệt cho những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn từ mức độ trung bình đến nặng.
Pegloticase tiêm tĩnh mạch, làm giảm nhanh cả urat huyết thanh lẫn số lượng và kích thước của hạt tophi nhưng việc sử dụng pegloticase hiện bị hạn chế đối với những trường hợp nặng và thường được sử dụng tại một trung tâm chuyên khoa.
Người bệnh cần lưu ý tiếp tục dùng thuốc khi tình trạng bệnh tốt hơn. Gout là căn bệnh về acid uric, vì vậy phải luôn duy trì mức acid uric trong cơ thể thấp bằng cách dùng thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Tham khảo
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cơ xương khớp – BYT 2014