Tiêu hóa

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY (GERD) LÀ GÌ? NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Admin
01/10/2024

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi acid dạ dày thường xuyên chảy ngược lên thực quản và gây kích ứng niêm mạc thực quản dẫn đến tình trạng viêm loét. Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý này như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay!

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN (GERD) LÀ GÌ?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Tên tiếng anh là: Gastroesophageal Reflux Disease / GERD). Căn bệnh này xảy ra khi acid dạ dày thường xuyên chảy ngược lên thực quản và gây kích ứng niêm mạc thực quản dẫn đến tình trạng viêm loét. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Đồng thời có thể xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau.

Tùy thuộc vào số lần trào ngược acid mà có thể chẩn đoán bệnh ở mức độ nhẹ hay nặng. Cụ thể, nếu trào ngược xảy ra ít nhất 1 lần trong tuần, trào ngược acid ở mức nhẹ. Tuy nhiên, nếu trào ngược xuất hiện 2 lần trong tuần, bệnh nhân nên thăm khám vì đây là dấu hiệu của trào ngược acid ở mức độ trung bình đến nặng.

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra như thế nào?

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra như thế nào?

TRIỆU CHỨNG GERD

Một số triệu chứng điển hình mà người bệnh thường gặp, có thể kể đến như: Ợ nóng, ợ chua, đau họng, buồn nôn, ho,…

NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY

Các chuyên gia khoa Tiêu Hóa cho biết, khi nuốt cơ thắt thực quản dưới sẽ thư giãn để thức ăn và chất lỏng chảy vào dạ dày rồi sau đó đóng lại. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, cơ vòng thư giãn bất thường, chúng sẽ mở ra và khiến acid dạ dày cùng với thức ăn chảy ngược lên thực quản.

Nếu tình trạng này xảy ra liên tục sẽ gây kích ứng viêm niêm mạc thực quản. Nguyên nhân làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới có thể là do các yếu tố sau:

  • Thường xuyên uống rượu bia hoặc hút thuốc lá
  • Tác dụng phụ của thuốc tây, đặc biệt là các loại thuốc chống viêm bao gồm cả thuốc chống viêm chứa Corticoid (Hydrocortisone, Prednisolone, Methylprednisolone,…) và không chứa coricoid (Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac,….).
  • Bệnh lý: Thoát vị hoành, bệnh lý nhiễm khuẩn ở thực quản gây xơ, tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản hoặc, đau dạ dày, viêm loét dạ dày,…
  • Thói quen ăn uống không khoa học như ăn quá no hoặc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo gây khó tiêu,…
TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY (GERD) LÀ GÌ? NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Uống rượu bia quá mức hoặc lạm dụng thuốc tây có thể gây trào ngược dạ dày thực quản

ĐIỀU TRỊ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

Thuốc ức chế bơm proton

Hiện nay, việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, Esomeprazol, Rabeprazol) đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton cách ngày. Thuốc được uống trước bữa ăn 30 phút.

Thuốc điều hòa vận động

Metoclopramid: Thuốc được dùng trước các bữa ăn. Có thể dùng đường hậu môn bằng các viên đạn. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.

Sulpirid: Có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản và làm giảm trào ngược. Thuốc này cũng đồng thời có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực…

Thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược

Các thuốc tạo màng ngăn như alginat: Acid alginic khi tiếp xúc với acid dịch vị sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày. Thuốc được sử dụng sau mỗi bữa ăn và trước lúc đi ngủ.

Ngoài ra còn có thuốc dimethicone, cũng là một chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc tương tự như thuốc trên.

Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc (Sucralfat)

Thường chỉ định sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng. Thuốc được uống trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.

Các thuốc khác

Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng acid (Aluminium phosphate, Canxi carbonate..): Có tính kiềm nên làm trung hòa tính acid của dịch vị

Tuy nhiên bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về dùng mà không theo chỉ định của bác sĩ. Vì mỗi người bệnh có tình trạng bệnh lý cụ thể khác nhau, người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định điều trị thích hợp thì bệnh mới mau lành và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và do dùng thuốc.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Mục lục