TRẺ BỊ TIÊU CHẢY NÊN LÀM GÌ? CÁCH PHÒNG NGỪA TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ
Tiêu chảy là một trong số những bệnh thường gặp ở trẻ em, căn bệnh này tưởng chừng không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (với khoảng 1,5 đến 2 triệu ca hàng năm). Khi trẻ bị tiêu chảy nên làm gì? Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia dành cho bố mẹ.
Vì sao trẻ em dễ bị tiêu chảy?
Gọi là tiêu chảy khi trẻ đi tiêu trên 3 lần trong ngày, ra phân lỏng hoặc toàn nước. Tiêu chảy gồm 2 loại: Tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài (khi tình trạng kéo dài trên 14 ngày).
Nguyên nhân chính có thể do hệ tiêu hóa ở trẻ chưa hoàn thiện là do ăn uống thiếu vệ sinh, thức ăn ôi thiu không được nấu chín kỹ hoặc côn trùng đậu vào gây nhiễm khuẩn. Hoặc trẻ em bốc thức ăn bằng bàn tay bẩn không rửa sạch. Vi khuẩn, virut sẽ theo đó tới ruột và ở đây chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và bài tiết các chất độc.
Lúc này cơ thể sẽ phản ứng lại ngay bằng cách huy động nhiều nước vào ruột để hoà tan các virut, vi khuẩn và các chất độc do chúng sinh ra, đồng thời ruột co bóp mạnh để thải nước đó mang theo virut, vi khuẩn và các chất độc ra ngoài cơ thể, điều đó sinh ra tiêu chảy.

Ăn uống kém vệ sinh là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị tiêu chảy
Tiêu chảy khiến cơ thể bị mất một lượng lớn nước ra ngoài, và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ (chiếm tới 70%). Một số nguyên nhân khác bao gồm nhiễm độc do virut tiết ra, viêm phổi. Ngoài ra, rối loạn hệ tiêu hóa còn khiến trẻ mất ngủ, biếng ăn, quấy khóc. Từ đó mà các bé này dễ bị suy dinh dưỡng.
Trẻ bị tiêu chảy nên làm gì? Chăm sóc như thế nào?
Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy
Vẫn cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược và thiếu ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.
Bù nước, điện giải bằng đường uống
– Đối với trẻ bị tiêu chảy vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải bồi lại lượng nước đã mất do trẻ đi tiêu nhiều lần mà phương pháp bù bằng đường uống là thông dụng, phổ biến, đơn giản và hiệu quả.
– Cách bù nước và muối phổ biến nhất là cho trẻ uống dung dịch oresol (ORS) pha đúng liều lượng. Cách pha đúng: theo hướng dẫn ghi trên nhãn gói ORS, ví dụ gói pha 1 lít nước; gói pha 200ml, gói pha 250ml. Pha với nước đun sôi để nguội. Cách uống: trẻ dưới 2 tuổi, uống 50 – 100 ml/lần tiêu chảy; trẻ 2 – 9 tuổi, uống 100 – 200 ml/lần tiêu chảy; trẻ lớn hơn 10 tuổi và người lớn uống tùy theo nhu cầu cơ thể. Bệnh nhân bị nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.
– Trẻ bị tiêu chảy, khát nước thì cho trẻ uống theo nhu cầu, cho trẻ uống khi khát.
– Sau mỗi lần đi tiêu cho uống thêm 1 cốc dung dịch trên. Nếu trẻ bị nôn thì cho trẻ uống ít một và tăng số lần lên.

Bù lại lượng nước đã mất rất quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy
Men vi sinh:
Men vi sinh giúp củng cố sự vững bền của hàng rào niêm mạc ruột. Ngoài ra, lợi khuẩn sẽ cạnh tranh và đẩy các vi khuẩn gây bệnh ra bên ngoài.
Thuốc chống tiêu chảy
Racecadotril được sử dụng để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em và người lớn và có khả năng dung nạp tốt hơn Loperamide, vì nó ít gây táo bón và đầy hơi. Một số hướng dẫn đã khuyến nghị sử dụng racecadotril ngoài điều trị bù nước bằng đường uống ở trẻ bị tiêu chảy cấp.
Cách phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ em
Để chủ động phòng chống tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
- Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
- Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Giữ gìn vệ sinh khu vực sống và kiểm soát chế độ ăn uống giúp trẻ không bị tiêu chảy
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.