TRIỆU CHỨNG CHÓNG MẶT TRONG RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH
Chóng mặt là từ được nhiều người dùng để mô tả triệu chứng mà bản thân gặp phải, nhưng thực sự, chóng mặt là gì?
Chóng mặt
Ở Việt Nam, thuật ngữ chóng mặt được sử dụng để mô tả rất nhiều tình trạng khác nhau, ví dụ như hoa mắt, choáng váng, xây xẩm mặt mày, say tàu xe, đầu óc quay cuồng…
Nguyên nhân có thể là do xơ vữa động mạch đưa máu lên não, lượng máu cung cấp lên não không đủ khiến tế bào thần kinh bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động, thoái hóa đốt sống cổ, rối loạn tiền đình hoặc do dây thần kinh X bị kích thích quá mức, hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, thiếu oxy, hạ đường huyết, và có thể lên đến cực điểm gây mất ý thức, ngất xỉu.
Trên thực tế, chóng mặt là khái niệm mô tả ảo giác, cảm giác mất thăng bằng, khiến bạn cảm thấy bản thân hoặc môi trường xung quanh xoay tròn, quay cuồng, lật nhào… khiến cơ thể không giữ được thăng bằng và té ngã. Chóng mặt, xoay tròn là biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình.

Chóng mặt, xoay tròn là biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình (Hình minh họa: Internet)
Vì sao rối loạn tiền đình gây chóng mặt?
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình.

Sơ đồ giải phẫu tai – tiền đình
Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số VIII hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não.
Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, điển hình nhất là triệu chứng chóng mặt xoay tròn, quay cuồng, cơ thể loạng choạng, có thể gặp triệu chứng hoa mắt, ù tai, buồn nôn…
Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống và khả năng lao động, đôi khi còn gây ra tai nạn, chấn thương nghiêm trọng do té ngã.
Nguyên nhân rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình ngoại biên: chiếm 40% trong các loại chóng mặt, có thể do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp hoặc thậm chí là các rối loạn chuyển hóa như suy giáp, đái tháo đường, tăng ure huyết…
Rối loạn tiền đình trung ương: chiếm khoảng 10% trong các loại chóng mặt, thường gặp nhất là migraine và các tổn thương não bộ như nhiễm trùng, xuất huyết, chấn thương, u não, thiếu máu cục bộ, cơn thiếu máu não thoáng qua, tai biến mạch máu não…
Ai có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp ở người già, nhưng hiện nay bệnh cũng dần dần trẻ hóa với mọi lứa tuổi, những người làm việc văn phòng, lao động trí óc căng thẳng hoặc có thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Ngoài ra, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, tâm sinh lý thay đổi, ốm nghén gây thiếu dinh dưỡng…cũng có nguy cơ cao bị rối loạn tiền đình.

Rối loạn tiền đình đang dần trẻ hóa và xuất hiện ở mọi lứa tuổi
Điều trị rối loạn tiền đình như thế nào ?
Việc điều trị rối loạn tiền đình phụ thuộc vào tình trạng bệnh ở giai đoạn cấp (trong vòng 5 ngày) hay mạn tính. Đối với giai đoạn cấp tính nên ưu tiên các loại thuốc điều trị triệu chứng, giai đoạn mạn tính sẽ ưu tiên các liệu pháp giúp hồi phục tiền đình.
- Điều trị triệu chứng chóng mặt, nôn: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp về thời gian, liều lượng dùng thuốc. Một số thuốc điều trị triệu chứng chóng mặt, nôn phổ biến như acetyl leucin, betahistin, cinnarizin/piracetam, flunarizine, metoclopramid, domperidon. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng thuốc điều trị chóng mặt không gây ức chế tiền đình như betahistine liều 48 mg/ngày trong 2 tháng có thể cải thiện các triệu chứng và giảm rõ rệt tần suất xuất hiện cơn chóng mặt.
- Điều trị nguyên nhân: khi xác định được các nguyên nhân gây chóng mặt, bác sĩ có thể thực hiện các nghiệm pháp như nghiệm pháp tái định vị sỏi tai (Epley maneuver), phẫu thuật, điều trị đau nửa đầu…
- Phục hồi chức năng: Các bài tập rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ thống tiền đình có hiệu quả rất lớn trong phục hồi chức năng cho bộ phần đầu, cơ thể, thị giác như thơ chậm, lắc, gật đầu, lắc/nhắm mắt, gật đầu/nhắm mắt, lắc/nhìn chằm chằm.
Ngoài ra, các thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình như tập luyện thể thao, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, giảm căng thẳng lo âu, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Nguồn tham khảo
Báo Sức khỏe đời sống