VIÊM KHỚP DẠNG THẤP: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn hệ thống mạn tính gây tổn thương các khớp. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số với tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới gấp 2-3 lần. Viêm khớp dạng thấp có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường là từ 35 đến 50 tuổi, và có thể gặp ở người trẻ hoặc người già.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là thấp khớp, là một bệnh lý mạn tính gây nên bởi rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào chính các mô trong cơ thể, gây ra phản ứng viêm khiến khớp đỏ, sưng đau và xơ cứng, ngoài ra các gân và dây chằng giữ các khớp với nhau cũng bị giãn và suy yếu khiến cho khớp bị biến dạng và mất tính liên kết.

Bệnh viêm khớp dạng thấp – Nguồn: Freepik
Nguyên nhân
Viêm khớp dạng thấp liên quan đến các phản ứng tự miễn, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, yếu tố di truyền có thể có liên quan vì một số gen mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh nhưng có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm một số vi khuẩn hoặc virus nhất định và từ đó làm khởi phát bệnh.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh:
- Giới tính: phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn nam giới
- Tuổi: có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường bắt đầu ở tuổi trung niên
- Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Hút thuốc: hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp
- Môi trường: một số phơi nhiễm như amiăng hoặc silica có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh
- Béo phì: những người thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở xuống, có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn
Các triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng toàn thân bao gồm: mệt mỏi và khó chịu toàn thân vào buổi chiều, chán ăn, yếu toàn thân và đôi khi sốt nhẹ.
Các triệu chứng khớp bao gồm:
- Đau, đỏ, nóng, sưng, cứng khớp và hạn chế vận động. Các triệu chứng này có tính đối xứng.
- Thông thường, cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 60 phút nhưng cũng có thể xảy ra sau một thời gian dài không vận động.
- Các khớp chịu tác động chủ yếu gồm: cổ tay và khớp bàn ngón của ngón 2 và 3 (hay gặp nhất), khớp đốt ngón gần, khớp bàn chân-ngón chân, khớp vai, khớp khuỷu, khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân, dính khớp.
Các triệu chứng ngoài khớp:
- Các nốt thấp khớp dưới da phát triển ở 30% số bệnh nhân, thường ở các vị trí bị tì đè và kích ứng lâu dài như bề mặt cơ duỗi của cẳng tay, khớp bàn tay-ngón tay, lòng bàn chân.
- Viêm mạch gây loét chân; thiếu máu cục bộ ở ngón tay/ngón chân; tràn dịch màng phổi; bệnh phổi kẽ; viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim; bệnh hạch bạch huyết,…

Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp xuất hiện trên toàn thân – Nguồn: Freepik
Các giai đoạn tiển triển
Giai đoạn I
- Viêm màng trên khớp dẫn đến sưng và đau khớp
- Các tế bào miễn dịch di chuyển đến vùng viêm dẫn đến số lượng tăng cao trong dịch khớp
Giai đoạn II
- Có sự gia tăng và lan truyền của viêm trong mô
- Mô xương bắt đầu phát triển ảnh hưởng đến không gian khoang khớp và trên sụn, dần dần phá hủy sụn khớp và khớp bắt đầu thu hẹp do mất sụn
- Thường chưa xuất hiện dị dạng khớp
Giai đoạn III
- Sự mất đi sụn khớp làm lộ xương dưới sụn
- Bệnh nhân thường đau khớp, sưng tấy, hạn chế chuyển động, cứng khớp vào buổi sáng, suy nhược cơ thể, teo cơ, hình thành các nốt sần dị dạng
Giai đoạn IV
- Quá trình viêm giảm
- Hình thành các mô xơ và xương chùng (xương kết hợp) dẫn đến việc ngừng chức năng khớp
Tiên lượng về bệnh viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp dạng thấp làm giảm tuổi thọ từ 3 đến 7 năm
- Ít nhất 10% bệnh nhân sau cùng sẽ bị tàn tật nghiêm trọng mặc dù đã điều trị đầy đủ
- Người da trắng, phụ nữ, bệnh nhân xuất hiện các nốt thấp khớp dưới da, tuổi cao, viêm ≥ 20 khớp, hút thuốc lá,… có tiên lượng xấu hơn
Điều trị như thế nào?
Biện pháp không dùng thuốc
- Tập luyện, vận động chống co rút gân, dính khớp, teo cơ
- Trong đợt viêm cấp: để khớp nghỉ ở tư thế thích hợp; tránh kê, độn tại khớp
- Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tắm suối khoáng
Biện pháp dùng thuốc
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) như methotrexat, sulfasalazin, leflunomid,… thường được sử dụng sớm
- Các thuốc sinh học như anti TNF, anti-IL6, thuốc ức chế tế bào,… làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như etoricoxib, ibuprofen, naproxen,…giúp giảm đau do viêm
- Corticosteroid toàn thân liều thấp như prednisonlon, methylprednisolon,…có thể được thêm vào để kiểm soát các triệu chứng nặng ở khớp
Phẫu thuật
- Nếu thuốc không thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương khớp, có thể xem xét phẫu thuật để giảm đau, cải thiện và khôi phục khả năng sử dụng khớp
- Phẫu thuật nội soi: có thể được thực hiện trên đầu gối, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay và hông
- Phẫu thuật sửa chữa các gân bị lỏng hoặc vỡ xung quanh khớp
- Thay thế toàn bộ khớp

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời
Viêm khớp dạng thấp thường phát triển và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nặng nề và có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Vì vậy hãy xây dựng thói quen khám bệnh định kỳ, đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
[SM/ARTI/108/0424]
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.