SỬ DỤNG THUỐC GIÃN CƠ AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ
Thuốc giãn cơ thường được sử dụng để điều trị các cơn đau do căng cơ liên quan đến chấn thương hoặc bệnh lý, giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau và cải thiện chức năng vận động.
Sử dụng thuốc giãn cơ trong trường hợp nào?
- Căng cơ cấp tính do tập thể dục hoặc lao động quá sức
- Co cứng liên quan đến thần kinh hoặc cơ trong các bệnh lý như xơ cứng bì, bại não, đa xơ cứng,…
- Đau cơ do chấn thương, viêm gân, thoát vị đĩa đệm,…
- Đau lưng, đau cổ, hoặc các trường hợp liên quan đến thoái hóa cột sống,…
Chỉ nên sử dụng thuốc giãn cơ khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ để tránh gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thuốc giãn cơ được sử dụng trong các trường hợp căng cơ, đau cơ do bệnh lý hoặc chấn thương
Các loại thuốc giãn cơ phổ biến
Một số loại thuốc giãn cơ phổ biến được sử dụng trong điều trị hiện nay như:
- Eperison: giúp cải thiện các triệu chứng tăng trương lực cơ (đau đốt sống cổ, co cứng vai, co cứng các đầu chi, đau vùng thắt lưng, nhức đầu, hoa mắt) liên quan đến các bệnh: hội chứng đốt sống cổ, viêm quanh khớp vai,…
- Baclofen: được sử dụng trong điều trị co cứng cơ do bệnh lý thần kinh, giúp làm dịu các cơn co thắt cơ, giảm đau và cải thiện khả năng vận động.
- Cyclobenzaprine: thường được dùng trong các trường hợp căng cơ cấp tính do chấn thương hoặc hoạt động quá sức.
- Methocarbamol: điều trị đau cấp tính và mãn tính do căng cơ, bong gân, hội chứng whiplash, chấn thương, viêm cơ,…

Ryzonal (Eperison) được sản xuất bởi Adamed – Cổ đông nắm giữ 100% cổ phần của Davipharm
Sử dụng thuốc giãn cơ an toàn
Để sử dụng thuốc giãn cơ một cách an toàn và hiệu quả, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Tuân theo chỉ định của bác sĩ: thuốc giãn cơ thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, từ vài ngày đến vài tuần. Sử dụng lâu dài có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, bao gồm lệ thuộc thuốc.
- Không tự ý sử dụng thuốc: việc tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ có thể dẫn đến các vấn đề như suy giảm chức năng gan, thận, hoặc thậm chí là ngộ độc thuốc.
- Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng: những người mắc các bệnh lý về tim mạch, bệnh gan, thận, hoặc có tiền sử dị ứng thuốc cần thận trọng khi sử dụng thuốc giãn cơ. Đặc biệt, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng các loại thuốc này trừ khi được bác sĩ yêu cầu.
- Không kết hợp với các chất gây buồn ngủ khác: tránh kết hợp với các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, hoặc rượu bia vì chúng có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc và gây buồn ngủ quá mức.

Nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ – Nguồn: Freepik
Tác dụng phụ thường gặp
Như bất kỳ loại thuốc nào, thuốc giãn cơ cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm:
- Buồn ngủ và chóng mặt: đây là các tác dụng phụ thường gặp.
- Khó tiêu, buồn nôn: một số thuốc giãn cơ có thể gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài.
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể: sử dụng thuốc giãn cơ quá liều hoặc không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi và suy nhược cơ thể, làm giảm khả năng vận động.
Khi gặp phải các triệu chứng này, cần ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Phòng ngừa tình trạng căng cơ
- Tập thể dục thường xuyên: tập thể dục đều đặn, bao gồm các bài tập giãn cơ, có thể giúp cơ bắp dẻo dai và giảm nguy cơ căng cơ khi vận động mạnh.
- Thay đổi tư thế làm việc: những người làm việc văn phòng hoặc ngồi lâu một chỗ cần thay đổi tư thế thường xuyên, thực hiện các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng để giảm căng thẳng cho cơ bắp.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: cung cấp đủ dưỡng chất, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ bắp như canxi, kali và magiê, có thể giúp duy trì sức khỏe cơ bắp và giảm nguy cơ căng cơ.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: việc nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc giúp cơ bắp có thời gian phục hồi, ngăn ngừa các vấn đề về căng cơ và đau cơ.

Tập thể dục thường xuyên phòng ngừa giãn cơ – Nguồn: Freepik
Thuốc giãn cơ là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các tình trạng căng cơ cấp tính và các bệnh lý liên quan đến cơ bắp. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giãn cơ cần được thực hiện một cách thận trọng, tuân theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý lạm dụng. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh và giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về cơ trong tương lai.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
[SM/ARTI/133/1124]
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Tài liệu tham khảo
Villines, Z. (2021, July 29). Tight, rigid muscles: Causes, treatments, and more. Medicalnewstoday.com. https://www.medicalnewstoday.com/articles/rigid-muscles