Tim mạch - Chuyển hóa

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM TRÊN TIM MẠCH – THẬN

Admin
06/06/2025

Đái tháo đường là bệnh lý phổ biến, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, phổ biến nhất là các biến chứng trên tim mạch và thận. Việc hiểu rõ mối liên hệ giữa đái tháo đường và các biến chứng tim mạch – thận giúp người bệnh nâng cao hiểu biết trong tuân thủ điều trị và phòng ngừa biến chứng đái tháo đường.

 Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là một nhóm bệnh nội tiết phổ biến được đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao liên tục. Nguyên nhân là do tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormon insulin hoặc các tế bào của cơ thể không đáp ứng với tác dụng của insulin.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn mệt mỏi, mờ mắt, sụt cân không rõ nguyên nhân…

Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó tim mạch và thận là hai cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đái tháo đường là một nhóm bệnh nội tiết phổ biến được đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao liên tục

Đái tháo đường là một nhóm bệnh nội tiết phổ biến được đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao liên tục

Đái tháo đường ảnh hưởng như thế nào đến hệ tim mạch – thận?

Đường huyết tăng cao kéo dài làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ …Các nghiên cứu cho thấy người mắc đái tháo đường típ 2 có nguy cơ suy tim cao hơn 84% và nguy cơ đột quỵ cao hơn 54% so với người không mắc bệnh.

Không chỉ vậy, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn gấp 3 lần ở bệnh nhân đái tháo đường. Thận bị tổn thương khiến cơ thể không thể loại bỏ chất thải, huyết áp tăng cao hơn, gia tăng tổn thương tim mạch, tạo thành một vòng xoắn bệnh lý “tim mạch – thận – đái tháo đường” làm nặng thêm tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Biến chứng Đái tháo đường – Nguồn: Freepik

Biến chứng Đái tháo đường – Nguồn: Freepik

Phải làm gì để phòng ngừa các biến chứng trên tim mạch – thận ở bệnh nhân đái tháo đường?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2025, cần kiểm soát đường huyết và phòng ngừa biến chứng trên tim mạch – thận cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2:

  • Kiểm soát đường huyết: mức đường huyết tối ưu đối với hầu hết các bệnh nhân là HbA1c <7%
  • Kiểm soát huyết áp: huyết áp cao làm tăng áp lực cho tim, ảnh hưởng đến thành mạch máu, gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch và làm trầm trọng thêm các biến chứng thận
  • Kiểm soát mỡ máu
  • Chế độ ăn uống phù hợp: hạn chế muối (chỉ ăn dưới 2g/ngày); giảm đường và chất béo bão hòa (mỡ động vật, da gà, bơ, phô mai, khoai tây chiên….); tăng cường rau xanh, cá béo và ngũ cốc nguyên cám; không uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích,…
  • Tăng cường hoạt động thể chất: luyện tập thể dục thường xuyên và phù hợp như đạp xe, thể dục nhịp điệu, bơi lội hoặc chạy bộ,… giúp cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát huyết áp
  • Kiểm soát cân nặng: trường hợp thừa cân, béo phì, khi giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng
  • Quản lý tốt căng thẳng: vì khi bị stress, cơ thể sẽ tiết ra các hormon như cortisol và adrenalin giúp cơ thể phản ứng lại với tình trạng căng thẳng, tuy nhiên chúng cũng có tác dụng đối kháng tác dụng của insulin, gây tăng lượng đường trong máu
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Phòng ngừa biến chứng đái tháo đường – Nguồn: Freepik

Phòng ngừa biến chứng đái tháo đường – Nguồn: Freepik

Những tiến bộ trong điều trị đái tháo đường – ngăn ngừa biến cố tim thận

Một trong những bước tiến quan trọng trong điều trị đái tháo đường hiện nay là việc sử dụng các thuốc không chỉ hạ đường huyết, mà còn bảo vệ tim và thận.Đặc biệt, nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2i) như empagliflozin, dapagliflozin, canagliflozin đang được xem là “cột mốc mới” trong điều trị đái tháo đường típ 2. Với cơ chế hoạt động ức chế tái hấp thu tại thận và tăng thải đường qua nước tiểu, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và còn mang lại những lợi ích vượt trội trên hệ tim mạch – thận:

  • Giảm 38% nguy cơ tử vong do tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2
  • Giảm 39% nguy cơ kết cục bất lợi trên thận ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2
  • Giảm tổn thương và cải thiện chức năng lọc của thận

Theo hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA 2025, nhóm thuốc SGLT2i nên được chỉ định cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có kèm bệnh tim mạch, suy tim hoặc bệnh thận mạn – bất kể mức HbA1c.

So với các thuốc thế hệ cũ, SGLT2i không chỉ giúp kiểm soát đường huyết tốt mà còn hỗ trợ giảm cân, kiểm soát huyết áp hiệu quả, bảo vệ tim và thận cho bệnh nhân đái tháo đường.

Thuốc điều trị Đái tháo đường – Nguồn: Freepik

Thuốc điều trị Đái tháo đường – Nguồn: Freepik

Đái tháo đường không chỉ ảnh hưởng đến đường huyết mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên tim và thận nếu không được kiểm soát kịp thời. Vì vậy, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe và khám định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ biến chứng. Chủ động theo dõi và điều trị sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh và hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường.

Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn hiểu về bệnh lý “Đái tháo đường” và những biến chứng nguy hiểm trên tim, thận, cũng như các lưu ý quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh. Những thông tin được cung cấp trong bài viết này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, dược sĩ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về bệnh lý của bạn và các thông tin trước khi dùng thuốc.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm 

[SM/ARTI/154/0525]

Tài liệu tham khảo

Standards of Care in Diabetes – ADA 2025

IDF Clinical Practice Recommendations for T2DM 2025

Mục lục