TẠI SAO KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ LẠI QUAN TRỌNG?
Khám sức khỏe định kỳ là quá trình kiểm tra toàn diện tình trạng sức khỏe của cơ thể theo định kỳ, thường từ 6 tháng đến 1 năm/lần. Hoạt động này bao gồm các xét nghiệm cơ bản, thăm khám lâm sàng và đôi khi có thêm các kiểm tra chuyên sâu tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của từng người.
Mục tiêu của khám sức khỏe định kỳ là phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, đánh giá nguy cơ sức khỏe, đồng thời đưa ra các giải pháp phòng ngừa hoặc điều trị hiệu quả.
Lợi ích của khám sức khỏe định kỳ
Phát hiện sớm bệnh lý tiềm ẩn
- Nhiều bệnh không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu như tiểu đường, cao huyết áp hoặc ung thư.
- Khám định kỳ giúp nhận biết các vấn đề sức khỏe sớm, tăng cơ hội điều trị hiệu quả.
Phòng ngừa bệnh tật
- Đánh giá nguy cơ và có kế hoạch phòng ngừa các bệnh mãn tính hoặc bệnh lây nhiễm.
- Đưa ra các lời khuyên về chế độ ăn uống, luyện tập và thay đổi lối sống phù hợp.
Tiết kiệm chi phí y tế
- Phát hiện và điều trị bệnh sớm thường ít tốn kém hơn so với chữa trị giai đoạn nặng.
Cải thiện sức khỏe tinh thần
- Hiểu rõ tình trạng sức khỏe giúp giảm căng thẳng, lo lắng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Duy trì sức khỏe lâu dài
- Hỗ trợ bạn theo dõi các chỉ số sức khỏe qua từng năm, từ đó xây dựng kế hoạch bảo vệ sức khỏe toàn diện và khoa học hơn.
Các đối tượng nên đặc biệt quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ
- Người cao tuổi: dễ mắc các bệnh mãn tính và cần theo dõi thường xuyên
- Người có tiền sử bệnh lý gia đình: có nguy cơ cao mắc bệnh di truyền như tim mạch, tiểu đường hoặc ung thư.
- Người làm việc trong môi trường căng thẳng, ô nhiễm: nguy cơ mắc bệnh về tâm lý hoặc hô hấp cao hơn.
Nên khám sức khỏe định kỳ bao lâu một lần?
Tần suất khám sức khỏe định kỳ
- Người trưởng thành (dưới 40 tuổi): Khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm là đủ đối với người không có triệu chứng hoặc tiền sử bệnh lý.
- Người trên 40 tuổi: Nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần, vì khi tuổi tác tăng, nguy cơ mắc bệnh mãn tính và các vấn đề sức khỏe khác cũng tăng theo.
- Người có bệnh lý nền hoặc có tiền sử bệnh gia đình: Khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể cần khám nhiều lần trong năm tùy tình trạng bệnh.
Những trường hợp cần khám sức khỏe thường xuyên
- Người cao tuổi (trên 60 tuổi): Nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng để theo dõi tình trạng sức khỏe và phòng ngừa các bệnh tuổi già như tim mạch, tiểu đường, loãng xương, ung thư.
- Phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị mang thai: Khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa để theo dõi sức khỏe thai kỳ.
- Người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao: Những người tiếp xúc với hóa chất, ô nhiễm môi trường, hoặc làm việc trong các ngành nghề có rủi ro sức khỏe cao nên khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý nghề nghiệp.
Những hạng mục cần kiểm tra khi khám sức khỏe định kỳ:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Kiểm tra các chỉ số như đường huyết, mỡ máu, chức năng gan thận.
- Huyết áp và tim mạch: Đo huyết áp, điện tim để phát hiện sớm các vấn đề về tim mạch.
- Siêu âm và X-quang: Kiểm tra các cơ quan quan trọng như gan, thận, phổi, bụng.
- Xét nghiệm chuyên sâu (tùy đối tượng): Xét nghiệm ung thư, chụp X-quang phổi, nội soi dạ dày…
Khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe hiện tại mà còn là cách đầu tư cho tương lai lâu dài. Hãy chủ động kiểm tra định kỳ để duy trì cơ thể khỏe mạnh và sống chất lượng hơn.


APLASTIC ANEMIA: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP
Aplastic anemia là gì?
Aplastic anemia (thiếu máu bất sản) là một bệnh lý hiếm gặp, xảy ra khi tủy xương không sản xuất đủ các tế bào máu cần thiết, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Tủy xương vốn là nơi sản xuất các tế bào máu, nhưng khi bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng, cơ thể không thể tạo đủ lượng máu mới để duy trì các hoạt động sống.
Một số dấu hiệu thường gặp
- Mệt mỏi và suy nhược khi cơ thể thường xuyên cảm thấy kiệt sức, thiếu năng lượng, ngay cả khi nghỉ ngơi đầy đủ.
- Da xanh xao hoặc vàng nhạt do thiếu hồng cầu, da mất đi sắc hồng tự nhiên, trở nên nhợt nhạt hoặc hơi vàng.
- Xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân và chảy máu kéo dài khi bị thương hoặc chảy máu chân răng, chảy máu mũi thường xuyên.
- Hệ miễn dịch suy giảm khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, như cảm lạnh, viêm phổi.
- Cảm thấy hụt hơi, đặc biệt khi vận động hoặc gắng sức nhẹ.
- Tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho lượng oxy trong máu giảm, dẫn đến tình trạng tim đập nhanh hoặc hồi hộp.
- Thiếu máu lên não có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt hoặc khó tập trung.
Nguyên nhân gây thiếu máu bất sản (Aplastic Anemia)
- Rối loạn hệ miễn dịch: hệ miễn dịch tấn công tủy xương, làm suy giảm khả năng sản xuất tế bào máu. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, thường không rõ lý do cụ thể.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại: các hóa chất như benzen, dung môi công nghiệp, thuốc diệt cỏ có thể gây tổn thương tủy xương.
- Sử dụng thuốc: một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, hoặc thuốc hóa trị liệu có thể gây suy giảm chức năng tủy xương.
- Xạ trị và hóa trị: điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc hóa trị liệu có thể phá hủy các tế bào tủy xương, ảnh hưởng đến quá trình tạo máu.
- Yếu tố di truyền: một số bệnh lý di truyền như hội chứng Fanconi hoặc loạn tủy xương có thể gây thiếu máu bất sản.
- Mang thai: một số phụ nữ phát triển thiếu máu bất sản do thay đổi hệ miễn dịch trong thai kỳ (hiếm gặp).
Biến chứng thường gặp
- Nhiễm trùng tái phát và nặng hơn do số lượng bạch cầu thấp, cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Các nhiễm trùng thông thường như cảm cúm hoặc viêm phổi có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài.
- Xuất huyết nghiêm trọng do tiểu cầu giảm làm tăng nguy cơ chảy máu, dễ xuất hiện các vết tím bầm, chảy máu mũi hoặc lợi kéo dài. Nghiêm trọng hơn xuất huyết nội tạng đặc biệt là xuất huyết não có thể đe dọa đến tính mạng.
- Thiếu hồng cầu dẫn đến giảm oxy cung cấp cho các cơ quan, gây mệt mỏi, suy nhược và có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim, não.
- Bệnh có thể tiến triển thành hội chứng loạn sản tủy xương (MDS) hoặc ung thư máu (leukemia).
- Các liệu pháp trị liệu như cấy tủy xương hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch có thể gây ra các biến chứng, bao gồm phản ứng thải ghép (GVHD) hoặc tác động xấu đến gan, thận.
Nếu không điều trị kịp thời, các biến chứng trên có thể dẫn đến tử vong.

THỰC PHẨM VÀNG TỐT CHO TIM MẠCH: BẠN ĐÃ BIẾT CHƯA?
Cùng với sự phát triển của xã hội, con người dần hình thành những thói quen sinh hoạt hay ăn uống không lành mạnh dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ngày một gia tăng. Đây cũng là một trong những căn bệnh có nguy cơ tử vong hàng đầu và chi phí điều trị vô cùng tốn kém. Vì vậy, việc ăn uống lành mạnh chính là chìa khóa để bảo vệ nó.
Dưới đây là một số thực phẩm hàng đầu giúp trái tim luôn khỏe mạnh:
- Cá hồi và các loại cá bế là thực phẩm giàu omega-3 – một loại axit béo giúp giảm viêm, hạ triglyceride và ổn định nhịp tim.
- Quả bơ chứa chất béo không bão hòa đơn và kali, giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và điều hòa huyết áp.
- Yến mạch có nguồn beta-glucan dồi dào. Đây cũng là một loại chất xơ hòa tan giúp giảm mức cholesterol LDL và giữ mạch máu sạch.
- Các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân có chứa chất béo lành mạnh, magie và chất chống oxy hóa giúp cải thiện sức khỏe mạch máu.
- Các loại rau lá xanh như cải bó xôi, cải xoăn hoặc rau muống giàu kali, magie và nitrat nhằm hỗ trợ huyết áp và cải thiện tuần hoàn máu.
- Dầu oliu nguyên chất là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đơn và chất chống viêm tự nhiên, tốt cho hệ tim mạch.
- Trái cây mọng nước như việt quất, dâu tây, mâm xôi giàu polyphenol – chất chống oxy hóa bảo vệ thành mạch máu.
- Socola đen (ít nhất 70% cacao) chứa flavanol giúp tăng cường lưu thông máu và giảm nguy cơ bệnh tim.
- Tỏi chứa allicin giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
- Đậu lăng và các loại đậu chứa nhiều protein thực vật, chất xơ và kali giúp giảm huyết áp và cải thiện cholesterol.
- Trà xanh chứa nhiều polyphenol và catechin – hoạt động như chất chống oxy hóa ngăn ngừa các tổn thương tế bào, giảm viêm và bảo vệ trái tim của bạn khỏe mạnh.
Hãy bổ sung những thực phẩm trên vào chế độ ăn uống hàng ngày, kết hợp cùng lối sống lành mạnh để bảo vệ trái tim của bạn.



Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế và Davipharm phối hợp thực hiện