Dị ứng

DỊ ỨNG HẢI SẢN CÓ THỂ DẪN ĐẾN TỬ VONG

Admin
16/10/2024

Nguy cơ dị ứng hải sản là khá cao và đây là một loại dị ứng thức ăn rất cần được quan tâm. Một vài người chỉ dị ứng với cá, một vài người lại dị ứng với các loài có vỏ (tôm, cua, ghẹ), số khác lại dị ứng với tất cả các loại hải sản. Khi dị ứng có thể làm bùng phát triệu chứng từ nhẹ đến nặng.

Vì sao hải sản dễ gây dị ứng?

Các loại hải sản dễ gây ra dị ứng:

  • Các loài cá (có xương sống): Cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá mòi, cá trích, cá cơm, cá ngừ, cá hồi, cá tuyết, …
  • Các loại có vỏ (không xương sống): bao gồm các loài giáp xác như tôm, cua và các loại nhuyễn thể như hàu, trai, ốc, ngao, bạch tuộc, mực, …

Do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ trở thành những chất lạ (gọi là kháng nguyên). Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây các phản ứng dị ứng.

Các protein ‘’lạ’’ này có nhiều loại khác nhau ở những loại hải sản khác nhau. Điều đó giải thích tại sao có người chỉ dị ứng với cá hoặc có người chỉ dị ứng với các loại có vỏ.

Các loại cá, hải sản có vỏ tạo ra kháng nguyên kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây phản ứng dị ứng

Các loại cá, hải sản có vỏ tạo ra kháng nguyên kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây phản ứng dị ứng

Biểu hiện

Khi các protein “lạ” này xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự xâm nhập này. Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong thức ăn.

Kháng thể này kết hợp với các tế bào của hệ miễn dịch phóng thích ra một chất hóa học (gọi là histamin). Histamin gây ra các triệu chứng sau:

  • Hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở
  • Đau bụng, tiêu chảy
  • Ngứa ngáy, mề đay

Nếu dị ứng nặng, có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng của sốc phản vệ như: sưng họng, cản trở đường thở gây khó thở, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nổi mề đay, phù mạch, thở khò khè, thở rít, tím tái và ngất. Sốc có thể tiến triển trong vòng vài phút, và bệnh nhân có thể co giật, … Chúng có thể nghiêm trọng hơn và thậm chí gây tử vong.

Xử trí

Đối với những trường hợp bị dị ứng nhẹ có thể tự điều trị bằng các thuốc kháng histamin dạng uống như: Cetirizin, Levocetirizin, Chlopheniramin, Loratadin… để giảm các triệu chứng. Tránh gãi vì càng gãi càng tăng ngứa, tổn thương của mề đay.

Đối với những trường hợp dị ứng nặng (sốc phản vệ) cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị.

DỊ ỨNG HẢI SẢN CÓ THỂ DẪN ĐẾN TỬ VONG

Hạn chế gãi khi bị dị ứng hải sản để tránh lan rộng các nốt mày đay

Các biện pháp phòng tránh dị ứng hải sản

Những người đã từng dị ứng với hải sản nên tránh ăn uống, tiếp xúc với những loại thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:

  • Ghi nhớ lại những loại hải sản đã từng bị dị ứng trong quá khứ
  • Khi đến ăn ở một nhà hàng, nên xem kỹ thực đơn, thành phần thức ăn để tránh ăn nhầm hải sản.
  • Hạn chế dùng chung bát đĩa đựng hải sản của người khác.
  • Không nên ăn các loại hải sản đã để chết quá nhiều ngày hoặc chế biến không đảm bảo. Vì các loại thức ăn này có thể chứa nhiều chất gây dị ứng (histamin).
  • Tránh ăn các loại cá biển còn sống hoặc chưa nấu chín (sashimi, sushi) nhất là cá hồi, cá ngừ.
  • Người bị dị ứng với cua cũng nên thận trọng khi ăn các hải sản có vỏ khác như tôm, ghẹ, … vì có thể bị dị ứng chéo.

Dị ứng hải sản là tình trạng khá phổ biến. Tình trạng này sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, những người có cơ địa dị ứng hải sản nên cẩn trọng khi chọn lựa thức ăn và biết cách xử trí đúng đắn khi dị ứng xảy ra.

Bài viết được cung cấp bởi Davipharm

Mục lục