4 LOẠI THUỐC GIÚP GIẢM TRIỆU CHỨNG VIÊM MŨI DỊ ỨNG LÚC CHUYỂN MÙA
Khi bị viêm mũi dị ứng, các tác nhân gây dị ứng sẽ kích thích giải phóng histamin, gây ra những triệu chứng như hắt xì, chảy nước mũi, ngứa mắt, ngứa mũi…
Thời điểm giao mùa là lúc các yếu tố về thời tiết thay đổi một cách thất thường khiến cơ thể chưa kịp thích ứng nên dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp ảnh hưởng sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ với biểu hiện thường gặp là: ho, cảm, cúm, chảy nước mũi, hắt hơi, gây khó chịu trong người. Sau đây là một số loại thuốc điều trị bệnh hô hấp thông thường

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng khi chuyển mùa gây khó chịu cho người bệnh
Thuốc điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng
Thuốc chống dị ứng
Thuốc kháng histamin là nhóm thuốc phổ biến trong điều trị viêm mũi dị ứng. Histamin là một trong những chất trung gian hóa học có vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng.
Khi bị viêm mũi dị ứng, các tác nhân gây dị ứng sẽ kích thích giải phóng histamin, gây ra những triệu chứng như hắt xì, chảy nước mũi, ngứa mắt, ngứa mũi… Do đó, các thuốc kháng histamin rất hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng.
Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ cũ như diphenhydramin, chlorpheniramin có tác dụng chống dị ứng tương đối tốt nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn ngủ, khô mắt, táo bón, khô miệng, nhìn mờ, …. Để khắc phục các nhược điểm trên, các thuốc kháng H1 thế hệ mới như levocetirizin, loratadin, ebastin, … đã ra đời và được sử dụng ngày càng rộng rãi.
Thuốc ức chế leukotrien
Thuốc ức chế leukotrien (montelukast) có tác dụng ngăn chặn hoạt động của leukotrien – một hóa chất do hệ thống miễn dịch tiết ra gây các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc là đau đầu, hiếm hơn gồm phát ban, thay đổi tâm trạng, ảo giác… Nếu người bệnh gặp phải bất kỳ phản ứng bất thường nào khi dùng thuốc, hãy gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn.
Thuốc long đờm
Thuốc làm tăng dịch tiết: Thường có các loại như terpin hydrat, natri benzoat, eprazinon có tác dụng làm loãng đờm. Eprazinon có tác dụng làm loãng dịch tiết phế quản nên long đờm làm dễ thở do chống co thắt phế quản (không phá hủy cấu trúc của đờm nên không ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày).
Thuốc làm tiêu chất nhày: Các loại thuốc long đờm có tác dụng phá hủy cấu trúc của đờm như ambroxol, bromhexin, N- acetylcystein, … Các thuốc làm tiêu chất nhày này có thể làm phá vỡ hàng rào chất nhày bảo vệ ở dạ dày, phải thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày-tá tràng.
Thuốc giảm ho
Chỉ dùng trong trường hợp ho không có đờm (như ho do cảm cúm, ho do kích ứng, …), ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, không dùng trong trường hợp ho có đờm (trong bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản…).
Thuốc có tác dụng giảm ho do ức chế trung tâm gây ho như dextromethorphan, codein, pholcodin, … Những thuốc trị ho có chứa codein chỉ dành cho người lớn, không dùng cho trẻ em vì gây ức chế hô hấp.
Các mẹo giúp làm giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần chú ý các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm vi rút.
- Rửa tay thường xuyên, không đưa tay lên mắt mũi miệng.
- Khi đi ra đường phải đeo khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi, hóa chất độc hại, vi khuẩn tồn tại trong môi trường.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ thoáng mát. Vệ sinh chăn chiếu thường xuyên.
- Giữ ấm cổ ngực và đôi chân khi trời lạnh dưới 20oC (nhất là người già, trẻ nhỏ).
- Tránh xa nicotin (thuốc lá, thuốc lào) và ethanol (bia, rượu các loại).
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ sung vitamin A (hoặc beta-caroten) vitamin D3, vitamin C, vitamin B2.
- Khi có dấu hiệu bị viêm đường hô hấp thì chú ý các triệu chứng để sớm điều trị.
- Cho trẻ đi tiêm phòng cúm và phế cầu.
- Chủ động kiểm soát các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bài viết được cung cấp bởi Davipharm
Các bài viết thuộc chamsocsuckhoeviet.vn chỉ nhằm cung cấp thông tin tham khảo, không thay thế cho tư vấn y tế chuyên môn. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Nguồn tham khảo
Báo Sức khỏe và Đời sống